Buôn "gỗ mun" thời hiện đại

ANTĐ - Nhân loại từng chứng kiến việc các lái buôn châu Âu "khai thác gỗ mun" - bắt người châu Phi bán sang châu Mỹ làm nô lệ suốt nhiều thế kỷ qua. Trong xã hội văn minh hiện nay, dường như tình trạng này vẫn đang tái diễn, dưới một hình thức khác - nạn buôn lậu cầu thủ.

Buôn "gỗ mun" thời hiện đại ảnh 1
Cầu thủ Sabo từng bị “buôn” tới châu Âu


Từ những lời hứa hẹn

Làng bóng đá thế giới mới đây xôn xao về một bộ phim tài liệu có tên "Soka Afrika", lần theo hành trình của hai cầu thủ bóng đá châu Phi là Kermit Romeo Erasmus đến từ Nam Phi và Julien Ndomo Sabo đến từ Cameroon khi họ cố gắng thực hiện ước mơ của mình là được chơi bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu. Erasmus và Sabo đã bị lừa bán sang châu Âu từ lúc còn là thiếu niên sau khi họ và gia đình nhận được lời hứa "sẽ giàu có ngoài sức tưởng tượng". Nhưng kết cục là họ lại bị bỏ rơi ở Paris trong lúc túi không có đồng nào. 

Mỗi năm ước tính có tới hàng nghìn thiếu niên ở châu Phi được đưa tới châu Âu với những hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Sabo và Erasmus nằm trong số hàng nghìn nạn nhân của nạn buôn người trong thế giới bóng đá trên khắp châu Âu. Những thiếu niên ở châu Phi được các tổ chức đại diện cầu thủ giả mà thực chất là những đường dây lừa đảo có tổ chức tại châu Phi với những lời cam kết họ sẽ được tham gia vào những đội bóng lớn ở châu Âu, sẽ được "tỏa sáng" như nhiều cầu thủ nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới. 

Để thực hiện được điều đó, việc cần làm duy nhất là gia đình các cầu thủ này gom góp một số tiền để trang trải cho chuyến đi, còn lại, các hãng môi giới cầu thủ sẽ lo hết. Tuy nhiên, những tổ chức môi giới cầu thủ này hầu hết đều không có giấy phép, và đương nhiên không bao giờ giữ lời. Không có liên hệ thực sự nào với các đội bóng ở châu Âu, những thanh thiếu niên được đưa sang đó thường sẽ bị bỏ rơi sau khi bị vét sạch tiền.

“Tôi đã nghe nhiều về các đại diện cầu thủ vô đạo đức lừa phỉnh các ông bố bà mẹ nghèo khổ. Tôi biết những đại diện hứa hẹn với họ về một tương lai giàu sang, rồi sau đó bán sang tay các cầu thủ cho các đại diện khác hay các đường dây buôn người. Không thể đổ lỗi cho các đại diện cầu thủ, một tay đại diện láu cá không thể làm điều gì mà không có một câu lạc bộ bóng đá ở cuối đường dây" - một đại diện cầu thủ giấu tên nói.

Buôn lậu cầu thủ

Có một điểm chung cho vô số cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới. Khi còn  là thiếu niên, các cầu thủ như Cristiano Ronaldo, Andrea Pirlo, Carlos Tevez, Javier Mascherano, Thierry Henry và Nicolas Anelka, tất cả đều từng chơi tại giải trẻ Mondial Montaigu ở Pháp. 

Được biết đến với tên gọi "Mondial Minimes", giải đấu 40 năm tuổi này là nơi so tài giữa các đội tuyển U16 quốc gia, và sự kiện cũng được tổ chức cho các câu lạc bộ. Đây cũng là thời điểm mà các câu lạc bộ của Pháp chào bán những món hàng thô họ vừa tuyển chọn được từ Lục địa đen.

Đường dây "vận chuyển" các cầu thủ châu Phi tới châu Âu đã được duy trì một thời gian khá dài. Các câu lạc bộ châu Âu nói chung đánh giá cao các cầu thủ châu Phi vì họ có thể lực tốt và năng khiếu kỹ thuật. Người ta có thể cho rằng đó là lý do quan trọng, nhưng đối với các câu lạc bộ quan trọng nhất là các tài năng trẻ này tương đối "rẻ" để đào tạo và phát triển, với tiềm năng rằng các câu lạc bộ có thể thu lợi nhuận lớn nếu bán họ đi trong tương lai. 

Với các cầu thủ, ý tưởng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp ở châu Âu hứa hẹn đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ ở nước ngoài và cho cả gia đình họ ở quê nhà. Đương nhiên đó là trong trường hợp họ không bị các câu lạc bộ tống ra đường vì "không có tiềm năng phát triển" và phải tự lo cho bản thân.

Bởi rất nhiều, hàng nghìn thiếu niên châu Phi sau khi bị bỏ rơi đã phải tự lo liệu giữa nơi xa lạ, nhiều người phải sống chui rúc trong những khu ổ chuột tồi tàn giữa những thủ đô hoa lệ, phải tự kiếm sống và luôn phải trốn tránh cảnh sát bởi vì họ đang là những người cư trú bất hợp pháp. Họ lâm vào tình cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông".

Vị cứu tinh

Trở lại trường hợp của Sabo và Erasmus, họ được xem là những người may mắn bởi đã gặp được Jean-Claude Mbvoumin. Ở tuổi 18, Erasmus đã ký hợp đồng chuyên nghiệp với câu lạc bộ Feyenoord  của Hà Lan, mặc dù anh giờ đã trở lại Nam Phi và chơi cho Supersport United với vai trò đội trưởng. Còn Sabo đã được Mbvoumin tìm ra và đưa anh trở lại Cameroon để chơi cho một đội bóng địa phương và sau đó được ký hợp đồng với Deportivo La Coruna (Tây Ban Nha).

Jean-Claude Mbvoumin người được xem như "cứu tinh" của các cầu thủ châu Phi bị bỏ rơi ở châu Âu. Cựu tuyển thủ quốc gia người Cameroon này là người thành lập tổ chức Cutulre Foot Solidaire (CFS) - chuyên giúp đỡ các cầu thủ người châu Phi bị bỏ rơi. Mbvoumin có ý tưởng về việc thành lập tổ chức này sau khi phát hiện nhiều trẻ em Cameroon bị bỏ rơi ở Pháp vì giấc mơ bóng đá. 

Tổ chức CFS của Mbvoumin đã hợp tác với các tổ chức từ thiện và chính quyền địa phương để giúp đỡ các cầu thủ bị bỏ rơi có chỗ trú ngụ. 

Mbvoumin cũng tổ chức các buổi đá thử cho các cầu thủ nạn nhân của bọn buôn người để họ được tiếp xúc với các câu lạc bộ.  CFS đã tồn tại được 13 năm và mục tiêu của tổ chức này là cung cấp cho các cầu thủ môi trường đào tạo tốt nhất có thể để chơi bóng. Mbvoumin ước tính CFS làm việc với khoảng 2.500 cầu thủ mặc dù ngân sách rất hạn chế, chỉ hơn 100.000 USD. 

"Mbvoumin và CFS làm việc không mệt mỏi với ngân sách eo hẹp để hỗ trợ và giúp đào tạo những cầu thủ trẻ người châu Phi bị lợi dụng và bóc lột. Tôi đã được làm việc với Jean-Claude trong quá trình làm bộ phim Soka Afrika và tôi có thể nói rằng anh là một anh hùng chân chính - làm việc vượt lên trên cả tình yêu dành cho bóng đá và quan trọng hơn, là sự tôn trọng sâu sắc quyền con người của tất cả phụ nữ, nam giới và trẻ em" - Sam Potter, Giám đốc điều hành công ty Masmomis, Công ty sản xuất bộ phim nói.