Buôn củi, bán kim cương, tại sao?

ANTĐ - Theo Thông tin của Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), trong số 227 mẫu dược liệu nhập khẩu được Cục này kiểm nghiệm trong năm 2015, có tới 60% không đạt chất lượng về hàm lượng, hoạt chất hoặc làm giả dược liệu. Trong khi đó, rất nhiều dược liệu quý của việt Nam lại bị Trung Quốc tận thu với giá rẻ. Lãnh đạo Cục khi nói về tình trạng này đã bức xúc thốt lên, đúng là chúng ta đang “buôn củi, bán kim cương”.

Buôn củi, bán kim cương, tại sao? ảnh 1

Là một nước phong phú, đa dạng về dược liệu làm thuốc, mỗi năm chúng ta khai thác và sử dụng khoảng 50.000 - 70.000 tấn dược liệu, nhưng đáng buồn là hầu hết đã bị thương lái Trung Quốc thu gom và khai thác một cách cạn kiệt. Không ít dược liệu quý trong tự nhiên được tận thu từ gốc đến ngọn, rồi bán với giá rất rẻ.

Theo các chuyên gia y tế, từ một nước xuất khẩu dược liệu vào những thập niên 1960-1970, đến nay, chúng ta hầu hết phải lệ thuộc hoàn toàn vào dược liệu nhập khẩu. Chúng ta bán thuốc nguyên chất nhưng khi nhập khẩu lại thì toàn tạp chất hoặc bị hút hết tinh chất chỉ còn là “củi khô”, thậm chí là nhập dược liệu giả.

Ngay cả những mặt hàng của Việt Nam trồng rất phổ biến như bèo tía, ngải cứu, nhân trần… hay chất lượng có phần còn nổi trội hơn hàng Trung Quốc như quế sa, nhưng vẫn nhập khẩu. Nguyên nhân được lý giải là nguồn dược liệu do người dân trồng, bán tại nước ta vẫn… đắt hơn nguồn nhập từ Trung Quốc, nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn hàng nhập, thay cho việc thu mua nguyên liệu từ trong nước.

Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, các dược liệu nhập khẩu phổ biến như ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, thiên ma, hoài sơn là những loại hay bị làm giả (sử dụng loài khác để làm vị thuốc này) nên khi kiểm nghiệm kết quả đều không đạt. Hay như khương hoạt thì hầu hết các mẫu đều đã bị chiết hết hàm lượng không tìm thấy chất trong loại thuốc này. 

Theo các nhà chuyên môn, không như thuốc tân dược có thể kiểm soát dễ dàng qua kiểm nghiệm, trong đông dược việc kiểm định chất lượng, hàm lượng rất khó khăn. Chẳng hạn  như mặt hàng sâm, hiện nay chúng ta chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, rất nhiều sản phẩm đã bị chiết một phần hoặc toàn bộ tinh chất nhưng để kiểm nghiệm, định lượng thì rất khó. 

Bộ Y tế đã ra Thông tư 03 để quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 6-3-2016. Theo đó, tất cả dược liệu nhập vào Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác nhập từ Trung Quốc được phép kinh doanh dược liệu.

Đặc biệt, từ ngày 1-7-2016, dược liệu nhập khẩu trong danh mục phải có phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP), đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Hằng năm, Bộ Y tế công bố danh mục dược liệu phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên hậu kiểm. Khi doanh nghiệp nhập khẩu, thông quan xong, báo cáo về Cục Quản lý Y dược cổ truyền, nếu thấy cần thiết cơ quan này sẽ lấy mẫu kiểm tra.

Với Thông tư 03, việc nhập dược liệu sẽ được siết chặt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại  khi siết chặt để đảm bảo chất lượng dược liệu, tình trạng buôn lậu qua biên giới sẽ gia tăng. Vì thế, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các đơn vị chống buôn lậu phối hợp để giảm thiểu hàng dược liệu nhập lậu