Buôn bán, sản xuất bỉm giả có thể phải ngồi tù tới 15 năm

ANTD.VN -Sau vụ việc một cơ sở sản xuất, buôn bán bỉm trẻ em nhãn hiệu “Bobby” giả với số lượng rất lớn tại huyện Gia Lâm, Hà Nội vừa bị cơ quan chức  năng phát hiện, xử lý với số lượng hàng rất lớn, nhiều người dân đặt câu hỏi: “Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán bỉm giả sẽ bị xử lý ra sao”?

Về chế tài xử lý hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo về quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1 triệu đồng; Phạt tiền từ 500.000-2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1-3 triệu đồng; Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5-dưới 10 triệu đồng…

Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3 triệu đồng;  Phạt tiền từ 5-8 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3-dưới 5 triệu đồng… Phạt tiền từ 35-45 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho tập kết bỉm giả tại huyện Gia Lâm, Hà Nội

Ngoài ra cá nhân vi phạm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…) và phải có các biện pháp khắc phục hậu quả.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân, đơn vị thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 192 BLHS 2015 sửa đổi.  Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả trị giá từ 20-dưới 100 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30-dưới 150 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Hàng giả trị giá dưới 20 triệu đồng nhưng gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%...hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 triệu- 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Thu lợi bất chính từ 100-dưới 500 triệu đồng; Làm chết người…thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên…thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền 1-9 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, về mặt khách quan, tội sản xuất, buôn bán hàng giả có các dấu hiệu: Có hành vi sản xuất ra các loại hàng giả làm cho người mua bị nhầm lẫn hoặc để lừa dối người mua nhằm thu lợi bất chính; Có hành vi buôn bán hàng giả.

Những sản phẩm hàng hoá có một trong những dấu hiệu sau đây được coi là hàng giả: Hàng giả chất lượng hoặc công dụng (hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng như bản chất tự nhiên, tên gọi, công dụng của nó; Hàng hoá không đủ thành phần nguyên liệu hoặc bị thay thế bằng những nguyên liệu, phụ tùng khác không đảm bảo chất lượng...); Giả về nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá (nhãn hiệu hàng hoá trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đang được bảo hộ cho cùng loại hàng hoá); Giả về nhãn hàng hoá…

Về khách thể, hành vi phạm tội xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của nhà nước đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất (hàng thật) và người tiêu dùng. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý vì mục đích vụ lợi.