Buôn bán người vẫn nhức nhối

ANTĐ - Cho dù cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia đều lên án mạnh mẽ và áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn song nạn buôn bán người vẫn diễn ra rất nhức nhối vì hoạt động "kinh doanh bẩn" này đang mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Nghèo đói và bạo lực đẩy nhiều trẻ em châu Phi vào tay bọn buôn người

Báo cáo công bố ngày 28-11 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hàng năm có khoảng 2,4 triệu người trên thế giới là nạn nhân của bọn buôn người. Cũng theo ILO, hàng năm trên thế giới có tới 12,3 triệu người bị các mạng lưới tội phạm quốc tế bắt giữ và buộc phải lao động như nô lệ trong các điều kiện vô nhân đạo.

Theo lý giải của các nhà phân tích xã hội và kinh tế học, nghèo đói, bạo lực và thiếu giáo dục là những nguyên nhân chính khiến nhiều người trở thành nạn nhân của vấn nạn buôn người. Vì những nguyên nhân này mà hàng triệu người, nhất là thanh thiếu niên bị quyến rũ bởi những hứa hẹn về một "thiên đường" hay "miền đất hứa" đã rơi vào tay của các tổ chức tội phạm buôn bán người.

Số liệu của LHQ cũng cho biết, trong số 2,4 triệu nạn nhân buôn bán người thì có tới 20% là trẻ em vị thành niên và gần 80% là nữ giới. Khoảng 79% số phụ nữ và bé gái lọt vào tay bọn tội phạm buôn bán người bị biến thành nạn nhân của nền "công nghiệp tình dục".

Hàng năm, Mỹ đều lên tiếng "dạy dỗ" các nước khác về nạn buôn người, song chính quốc gia này lại là một trong những nơi đang diễn ra tình trạng kinh doanh thân xác phụ nữ nhức nhối nhất. Theo Quỹ dự án Meridian Foundation - tổ chức hỗ trợ cảnh sát xác định bọn buôn người và các nạn nhân, có tới 1,6 triệu trẻ em dưới 18 tuổi sinh tại Mỹ hay ở nước ngoài bị đưa vào mạng lưới kinh doanh thân xác phụ nữ ở nước này.

Chưa thể giải quyết tận gốc 3 nguyên nhân chính: nghèo đói, bạo lực và thiếu giáo dục, LHQ và các nước đã có nhiều biện pháp nhằm góp phần hạn chế tình trạng buôn bán người trên toàn cầu. Trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức và phổ cập các tri thức, đặc biệt với đối tượng dễ bị tổn thương nhất là thanh niên để họ có thể tự bảo vệ - biện pháp được xem hiệu quả nhất để giảm số nạn nhân của nạn buôn người.

Tuy nhiên, những nỗ lực này đang tỏ ra quá lép vế trước những tác nhân làm trầm trọng thêm nạn buôn bán người. Ngành kinh doanh bất nhân này vẫn tiếp tục gia tăng bởi nó đang là nguồn lợi nhuận lớn thứ 3 của các tổ chức tội phạm trên toàn cầu với doanh thu ước tính khoảng 30-40 tỷ USD mỗi năm.

Thêm vào đó, các tác nhân mới như bần cùng hoá vì suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, tăng trưởng dân số... đang tạo điều kiện "làm ăn" cho tội phạm buôn người. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), thực tế mới nảy sinh này tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm, tổ chức di cư bất hợp pháp hoặc cưỡng bức cũng như những khoảng trống lớn và phức tạp về bảo vệ con người.

Trước trực trạng đáng báo động này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi, cả thế giới đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn người. Với quan điểm buôn người không chỉ là hành động khủng bố mà còn là hình thức tệ hại nhất của tội ác chống lại loài người, người đứng đầu LHQ cho rằng, cần phải đưa tội phạm buôn người ra trước vành móng ngựa để trừng phạt nghiêm khắc.