Buôn bán ma túy giả có phạm tội không?

ANTĐ - Qua công tác trinh sát, Phòng Cảnh sát điều tra tộ phạm về trật tự xã hội – Công an TP Hải phòng phát hiện một đường dây chuyên mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua cảng Hàng không Cát Bi (Hải Phòng) vào TP Hồ Chí Minh. Cầm đầu đường dây này là Đào Anh Ngọc, sinh năm 1981, trú tại 19/28 đường Đội Văn, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, từng có hai tiền án. 

Cùng trong băng nhóm với Đào Anh Ngọc còn có các đối tượng là Đào Ngọc Doanh (em ruột của Ngọc), sinh năm 1983, trú tại 18B/4 đường Cam Lộ, phường Hùng Vương; Nguyễn Thái Bảo, sinh năm 1990, trú tại số 49B/25 đường Đội Văn, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng; Trần Công Đạt, sinh năm 1978, trú tại số 70/20 đường Trần Nguyên Hãn, phường Cát Dài, quận Lê Chân và Đỗ Thị Nhung, sinh năm 1987, trú tại số 21, đường Trần Nhật Duật, phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. 

Chiều 6-9, một mũi trinh sát đã kiểm tra, bắt quả tang Đạt đang vận chuyển ma túy, ngụy trang dưới dạng hàng hóa xách tay giao cho Bảo tại cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng).

Qua đấu tranh Bảo khai đã nhận ma túy của đầu mối Hải Phòng, vận chuyển và giao cho các đối tượng đang chờ tại TP Hồ Chí Minh. Tang vật lực lượng phá án thu giữ gồm hơn 1kg ma túy tổng hợp, trong đó có 5.000 viên nén màu vàng in hình cây nấm (loại được dân “bay” trên thị trường ưa chuộng) và một túi to ma túy “đá”. Thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Đào Ngọc Doanh, lực lượng phá án thu được một máy dập viên nén, một máy sấy ma túy và một số tang vật khác. Tuy nhiên, qua giám định toàn bộ số ma túy các đối tượng này buôn bán đều là giả. Bước đầu các đối tượng cũng khai nhận đã sử dụng các nguyên liệu như bột thạch cao, bột mì, bột đậu xanh, bột ăn dặm trẻ em và bột nghệ để làm viên nén ma túy tổng hợp giả. Trung bình mỗi phút, các đối tượng dập được 90 viên và mỗi ngày có thể xuất xưởng tới hàng nghìn viên. Về hình thức, số ma túy giả này không khác hàng thật, chỉ cho tới khi sử dụng, dân chơi mới có thể phát hiện ra. 

Vấn đề đặt ra là hành vi của các đối tượng này có được coi là buôn bán ma túy hay không? Các đối tượng bị truy tố theo tội danh nào?

Ý kiến bạn đọc

Vẫn phạm tội mua bán ma túy

Cần phải xem xét xử những kẻ làm ma túy giả theo tội mua bán ma túy theo Bộ luật Hình sự. Mặc dù về bản chất, ma túy giả không ngây nghiện, nhưng nếu xét về ý thức, những kẻ buôn bán, vận chuyển chất ma túy giả không biết đó là ma túy giả, họ vẫn nghĩ rằng đó là ma túy thật thì cần phải xử như bình thường. 

Anh Cao Hải Sơn (Hà Đông - Hà Nội)


Các đối tượng đã phạm tội lừa đảo 

Theo tôi, với hành vi sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ ma túy tổng hợp giả của các đối tượng nêu trên có thể nói đã phạm tội lừa đảo để chiếm đoạn tài sản theo Bộ luật Hình sự. Bởi các đối tượng đã có hành vi gian dối, để người mua ma túy tin là ma túy thật và đưa tiền cho chúng. Các đối tượng biết chắc chắn là ma túy giả đã tự  xuất ma túy giả từ bột ăn trẻ em để lừa đảo những kẻ sử dụng, chiếm lợi bất chính. Hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội lừa đảo, nên theo tôi có thể truy tố các đối tượng về tội lừa đảo. Song, ma túy vốn không được pháp luật coi là hàng hóa, nên không thể khép vào tội làm hàng giả, hàng nhái. 

Chị Nguyễn Tuyết Nhung (Bình Thạnh - TP.HCM)


Tội lừa đảo ở giai đoạn phạm tội chưa đạt

Nếu qua giám định thấy không phải chất ma túy, các đối tượng ý thức rõ ràng làm giả chất ma túy để đem bán tức là mục đích là lừa đảo nên phải truy tố về tội lừa đảo. Trong trường hợp này, đối tượng phạm tội chưa đạt, đã chuẩn bị xong hàng, chỉ đi tìm đối tượng để bán, trên đường vận chuyển thì bị bắt giữ. Hành vi này chấm dứt là do khách quan chứ không phải là do ý thức tự chấm dứt. Chính vì thế phải xử các đối tượng này về tội lừa đảo ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Nhưng nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra làm rõ, đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng thực hiện hành vi mà trước đó, đã nhiều lần sản xuất và đã bán cho các đối tượng sử dụng thì tội phạm đã hoàn thành.

Anh Phan Anh Tuấn (Minh Khai - Hà Nội)


Đây là hành vi làm hàng giả

Theo tôi hành vi sản xuất ma túy tổng hợp của nhóm đối tượng trên cho thấy rõ ràng đó là hành vi làm giả  khiến người sử dụng ma túy nhầm tưởng là ma túy thật và bỏ tiền ra mua. Vì vậy, cần xét xử thêm những đối tượng trên vào tội buôn bán hàng giả.

Anh Nguyễn Thế Anh (Lê Chân - Hải Phòng)

Bình luận của luật sư 
Cơ quan điều tra cần mở rộng điều tra làm rõ
Đối với “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy” quy định tại điều 194 BLHS bắt buộc hàng hóa vận chuyển, mua bán trái phép phải là chất ma túy. Trường hợp người phạm tội nhầm tưởng hàng hóa mà mình đang tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt là chất ma túy và nghĩ là chất ma túy nhưng thực tế không phải là ma túy thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi tương ứng theo quy định tại điều 194 BLHS. Trong trường hợp như trên thì hành vi của người đó có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu đủ cấu thành tội phạm thì có thể truy cứu TNHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 BLHS. Người bán vì mục đích thu tiền, chiếm đoạt tài sản và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, người bán biết không phải là chất ma túy nhưng cố tình lừa đảo như: giả vờ thử, nếm… làm cho người mua tưởng thật và mua thì người bán có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 BLHS. Trong vụ án này, cơ quan điều tra cần mở rộng điều tra làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra sẽ chứng minh được hành vi, vai trò của từng bị can và qua đó xác định tội danh mà họ phạm phải. 
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, (Giám đốc công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Cần chứng minh hành vi chiếm đoạt tài sản Đây là vụ việc khó áp dụng chế tài để xử lý bởi do những vật thể được gọi là ma túy tổng hợp bị thu giữ đều là ma túy giả, tức là không thuộc danh mục chất ma túy theo quy định của pháp luật, nguyên liệu sản xuất ra các vật thể đó là bột thạch cao, bột mì, bột đậu xanh, bột ăn dặm trẻ em, bột nghệ… cũng không phải là tiền chất ma túy, vì thế không thể buộc các đối tượng thực hiện thực hiện hành vi này chịu trách nhiệm về các tội phạm liên quan đến ma túy như: sản xuất trái phép chất ma túy hoặc tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy… Với thủ đoạn như trên, những đối tượng thực hiện đã có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ các đối tượng này đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua hình thức bán ma túy giả lấy tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu không xác định được bị hại, tức là những người bỏ tiền ra mua ma túy giả của nhóm đối tượng trên, thì rất khó quy kết được những đối tượng này phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì không làm rõ số tiền mà nhóm đối tượng này đã thu được thông qua hình thức bán ma túy giả. Theo điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sau tháng đến ba năm”. Như vậy nếu không chứng minh được nhóm đối tượng trên đã chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên thì không thể buộc tội họ nếu đối tượng chưa từng bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về hành vi chiếm đoạt.  Thực tế trong vụ việc này, bị hại là những người có hành vi vi phạm pháp luật khi họ có ý thức mua trái phép chất ma túy để sử dụng vào các mục đích khác nhau của bản thân. Vì thế nên khó có khả năng họ sẽ hợp tác với cơ quan điều tra. Ngoài ra, theo Điều 156 Bộ luật  Hình sự quy định người sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý hình sự nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên  hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ma túy tổng hợp là một loại mặt hàng cấm, không có chuẩn mực về sự thật, giả và cũng không có giá trị cụ thể. Vì thế không thể xác định số lượng ma túy giả mà các đối tượng đã sản xuất có giá trị là bao nhiêu. Vì vậy không thể buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh buôn bán hàng giả. 
Luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh