Buồn bã những cuộc “ly hôn xanh”

ANTĐ - Nhiều bạn trẻ kết hôn với hành trang duy nhất là sự si mê lẫn nhau, còn mọi việc đã có cha mẹ lo. Điều đó chẳng khác nào xây nhà trên cát khiến hôn nhân tan vỡ nhanh chóng dù mới chỉ gặp những “gợn sóng” mâu thuẫn. 

Buồn bã những cuộc “ly hôn xanh” ảnh 1

Trái tim không ăn được 

Hôn nhân của Trần Hùng Anh và Hoàng Thị Lanh (Phúc Xá, Hà Nội) thực sự là câu chuyện “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Cả hai bén duyên nhau trong một lần đi du lịch. Lanh đang là sinh viên Đại học quê Cao Bằng, còn Hùng Anh chỉ là thợ sửa xe học chưa hết cấp 3 quê Đà Nẵng. Ngay từ khi về quê nhau ra mắt họ hàng, cả hai gia đình đều phản đối vì chênh lệch văn hóa, quê lại quá xa xôi. Nhưng càng bị cấm đoán, đôi trẻ lại càng bện nhau chặt hơn. Hùng Anh bỏ việc ở quê ra Hà Nội để được ở cạnh người yêu. Để bố mẹ đồng ý, Lanh còn quyết định có thai để đẩy hai nhà vào “sự đã rồi”. Hai người thuê nhà ở Hà Nội sống với nhau, tự đi đăng ký kết hôn và tuyên bố “sẽ tự nuôi nhau, không cần bố mẹ phải lo lắng”. 

Nhưng giấc mơ tình yêu chỉ kéo dài được nửa năm, Lanh phải bỏ học ở năm thứ 4 để sinh con. Đứa con sinh thiếu tháng hay ốm đau, mẹ lại thiếu sữa, phải nuôi bộ bằng sữa ngoài, mỗi tháng tốn tiền triệu. Trong khi Hùng Anh chỉ xin được chân nhân viên bán hàng siêu thị, lương khó nuôi nổi gia đình. Gia đình hai bên cũng xa xôi, kinh tế khó khăn nên không thể nhờ vả. Hết tiền, con đói, vợ ốm, không chỗ dựa dẫm, Hùng Anh chán nản chìm trong rượu chè. Để có đồng ra đồng vào, Lanh mua ít rau cỏ bán ở cổng khu nhà trọ. Tình yêu lớn tan biến và hai người cứ nhìn thấy nhau là cãi cọ, chửi mắng nhau thậm tệ. 

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy – Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc cho biết, một trong những điều kiện tiên quyết để đi đến hôn nhân là hai bạn trẻ phải độc lập về tài chính, có công ăn việc làm ổn định. Lao động không chỉ để kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống chung mà còn là môi trường rèn luyện để mỗi người lớn lên, có nhân cách, đạo đức, biết cư xử. Còn nếu chỉ xây hôn nhân bằng tình yêu mà cái gì cũng không có thì chẳng khác nào xây lâu đài cát, chỉ một chút gió bão mâu thuẫn cũng sẽ bị rạn nứt. 

Chớ ỷ lại “đũa thần” bố mẹ

Còn Trần Mạnh Tường (quận Tây Hồ) sinh ra trong một gia đình giàu có, bố mẹ làm ăn buôn bán, tiền tiêu chẳng hết. Nhung – bạn gái Tường cũng là con gái nhà phố cổ, luôn được chiều chuộng hết mức. Hai nhà góp tiền mua cho hai vợ chồng chung cư rộng hơn 100m2 với đầy đủ các đồ dùng hiện đại. Nhưng lấy vợ được một năm, Tường lại quay lại với các cuộc nhậu nhẹt, đàn đúm thâu đêm ở nhà hàng, quán bar. Giận dỗi, Nhung bỏ về nhà bố mẹ đẻ, cũng là lúc cô phát hiện mình mang bầu. Hai tháng mà Tường cũng không thèm đến để xin lỗi, đón vợ về. Hôn nhân vừa bắt đầu đã có dấu hiệu tan rã. 

Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan – nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm lý - Đại học KHXH&NV nhận định, chỉ yêu thôi là chưa đủ để duy trì một cuộc hôn nhân bền vững. Bố mẹ cũng không phải đũa thần vạn năng, chỉ có thể mua được vật chất nhưng không giúp bạn trẻ duy trì cuộc hôn nhân bền vững. Để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho mình, bạn trẻ chỉ có thể trông cậy vào khả năng, năng lực của chính mình. “Khả năng cần phải học hỏi, kỹ năng phải trau dồi. Tại sao mọi công việc, mọi sở thích đều phải học mới biết, mới đảm đương được mà làm vợ, làm chồng lại không học?” – TS Loan nhấn mạnh. 

Hơn nữa, tình yêu thường làm "mù" phương hướng, thường xoa dịu mâu thuẫn nên bạn trẻ hay ảo tưởng mâu thuẫn đã được giải quyết khi làm lành bằng hoa tươi, nến thơm. Nhưng sự thực, các rắc rối nhỏ sẽ tích tụ thành mâu thuẫn lớn và bùng nổ, tàn phá tình yêu và cuộc sống của mỗi người nếu như chúng ta không có kỹ năng giải quyết. 

Việc sống độc lập, đồng cam cộng khổ trong cuộc sống cả về tinh thần cũng như vật chất sẽ giúp bạn trẻ hiểu được hôn nhân là gì. Nếu không vươn lên, không tự lập, không đoàn kết nhất trí, quá ỷ lại vào bố mẹ... họ sẽ thất bại.