Buộc phải thắt “hầu bao”

ANTĐ - Đó là cách đối phó của phần lớn người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đặc biệt là đối với những người có thu nhập trung bình và thấp. Tình trạng này đã khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải xoay xở tìm cách giữ ổn định sức mua.
 

Người tiêu dùng quan tâm nhiều đến hàng hoá khuyến mãi    (ảnh minh họa)

81% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Sáu tháng đầu năm nay, lạm phát tại Việt Nam lên tới 2 con số, tăng 13,29% so với tháng

12-2010. Lạm phát cao đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều tầng lớp dân cư, nhất là người làm công ăn lương, những hộ nghèo phải chịu tác động trực tiếp của lạm phát.

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: “Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2011 khá cao nhìn từ con số đơn thuần, đạt khoảng 911.733 tỷ đồng, tăng 22,6% so cùng kỳ 2010 nhưng mức tăng thực chất chỉ khoảng 5,7% sau khi loại trừ yếu tố tăng giá”! Điều này chứng tỏ lạm phát đã khiến người tiêu dùng Việt Nam thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Dẫn nguồn từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, bà Loan cho biết 81% người dân cắt giảm chi tiêu với những mặt hàng không thiết yếu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chú ý hơn tới hoạt động khuyến mãi, giảm giá. Theo bà Loan, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: dầu ăn, mì ăn liền, giấy vệ sinh… tăng cao nhất trong khi các loại hàng hóa tiêu dùng khác như: sữa tắm, dầu thơm, kẹo cao su, nước súc miệng… chỉ tăng nhẹ.

Chị Bích Vân - nhân viên phòng vé máy bay trên đường Nguyễn Chí Thanh tâm sự: “Thu nhập 2 vợ chồng tôi được khoảng 13,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng mất 2 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể điện nước, rồi tiền học, tiền sữa cho con. Còn lại vừa đủ sinh hoạt nên tôi không dám sắm sửa quần áo, giày dép nhiều như trước”.

Đối với tầng lớp người dân có thu nhập thấp hơn, như công nhân các khu công nghiệp, người làm thuê, việc tiết giảm chi tiêu còn biểu hiện rõ ràng hơn khi mức thu nhập trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát sẽ làm giảm việc làm trong trung và dài hạn. Từ đó, tác động đến khối doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng.

Doanh nghiệp cần tăng khuyến mãi

Giữ sức mua bình ổn là mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp bán lẻ ở thời điểm hiện tại. Các chuyên gia kinh tế cho biết, một số biện pháp đang được các doanh nghiệp bán lẻ thực hiện để ứng phó với lạm phát là: Thu hẹp hoạt động, thận trọng trong đầu tư mới; Tiết kiệm năng lượng; Tiết kiệm tối đa chi phí; Kế hoạch thu mua và lưu kho hàng hóa linh hoạt. Bên cạnh đó, về chính sách trực tiếp đối với người tiêu dùng thì các chương trình ưu đãi, khuyến mãi được xem là giải pháp khả thi. Cùng với đó, cần xây dựng và phát triển thêm nhiều “nhãn hàng riêng” của doanh nghiệp bán lẻ với chất lượng đảm bảo và rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp.

Các chuyên gia thị trường nhận định, nhãn hàng riêng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh, rộng của các nhãn hàng riêng trong hệ thống các siêu thị và đại siêu thị, điển hình như: eBon, Wow! Giá hấp dẫn, BigC; nhãn hàng riêng của Co.op Mart, Metro với giá hấp dẫn. Đối tượng mua các mặt hàng này là tầng lớp thu nhập thấp và trung bình. Hầu hết các nhãn hàng riêng đều thuộc phân khúc giá rẻ, phù hợp với việc thắt chặt chi tiêu hiện nay của người dân.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, việc các doanh nghiệp bán lẻ cần làm để tăng sức mua là phối hợp với nhà phân phối và nhà sản xuất trong các chương trình hợp tác khuyến mãi… Đồng thời, quản lý chính sách điều chỉnh giá cả và thu mua hợp lý.