Bước ngoặt nguy hiểm

ANTĐ - Nền kinh tế thế giới đang ở bước ngoặt nguy hiểm, đòi hỏi thế giới phải tư duy lại một cách cơ bản. Lời cảnh báo mà Tổng giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) J. Somavia vừa đưa ra cho thấy còn nhiều việc phải làm để thế giới vượt qua khủng hoảng. 

Một cuộc biểu tình của những người thất nghiệp ở Anh

Theo ông J. Somavia, mô hình hiện nay về tăng trưởng kinh tế và toàn cầu hóa đã thất bại với tỷ lệ thất nghiệp cao khó chấp nhận, đặc biệt là trong thanh niên và phụ nữ, đầu tư trì trệ và bất bình đẳng tăng cao. Ông khẳng định vấn đề việc làm đang là chủ đề hàng đầu trong hợp tác quốc tế vì không nước nào trên thế giới “miễn dịch” được  trước cơn sốt thất nghiệp nghiêm trọng vẫn đang lan rộng trong nền kinh tế toàn cầu.

Không khó khăn gì để có được bằng chứng khẳng định lời cảnh báo của ông J. Somavia. Tháng 5 vừa rồi, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, ILO đã công bố “Báo cáo việc làm thế giới 2012” cho biết tình trạng thất nghiệp trên thế giới hiện nay có thể gọi là khủng hoảng với tỷ lệ thất nghiệp dự đoán sẽ tăng 3%, chiếm 6,1% trong số những người trong độ tuổi lao động, tương đương 202 triệu người sẽ không có việc làm.

Đi kèm với vấn đề thất nghiệp và nghèo đói là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, đến mức báo chí bình luận rằng của cải đang ngày càng tránh xa những người khốn khổ. Trên quy mô toàn cầu, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới đã tăng lên ghê gớm. Một thế kỷ trước, tổng lượng của cải của các nước giàu gấp 9 lần của cải của các nước nghèo, nhưng bây giờ con số đó là 100 lần.

Thế giới đã có hàng loạt nỗ lực đấu tranh chống bất bình đẳng, từ những biện pháp như thay đổi hệ thống thuế, can thiệp thị trường lao động, đến cải cách quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp ồ ạt, bảo hộ cạnh tranh với nước ngoài, kiểm soát giá tiêu dùng….Thế nhưng tất cả đều vô dụng. Trong 25 năm qua, không có nước nào vốn mất bình đẳng về phân phối của cải xã hội lại thành công trong việc giảm bớt tình trạng bất bình đẳng.  

Chính vì thế mà ông Tổng giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) J. Somavia phải kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc tế khẩn cấp nối kết các mối quan tâm của con người, đặc biệt là lắng nghe nguyện vọng của người lao động nhiều hơn và hành động nhanh hơn để xây dựng một mô hình phát triển tiến tới tương lai công bằng hơn, xanh hơn và bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu này, ông J. Somavia nêu bật 4 biện pháp quan trọng cần được các nước thúc đẩy.

Một là giải quyết nạn thất nghiệp trong thanh niên trên cơ sở Kế hoạch hành động về việc làm cho thanh niên đã được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua hồi tháng 6 vừa rồi. Hai là mở rộng tiếp cận các bảo vệ xã hội cơ bản trên cơ sở các tiêu chuẩn lao động quốc tế về sàn bảo vệ xã hội đã được ILO đề xướng. Ba là tăng cường kết hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô và lao động, các chính sách buôn bán và phát triển cũng như các chính sách môi trường và xã hội. Bốn là xây dựng lại các thể chế quản trị toàn cầu và cách thức nối kết các thể chế toàn cầu này với các hệ thống quốc gia. Đó sẽ là trụ cột cho một thế giới công bằng và phát triển bền vững.