Bước ngoặt ngoạn mục trong xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bao gồm 10 chỉ số thành phần là: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch và trách nhiệm; Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Kết cấu hạ tầng. Trong từng chỉ số thành phần này lại có các chỉ số cụ thể để thu thập số liệu và đánh giá, so sánh giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Lợi thế vượt trội

Bước ngoặt ngoạn mục trong xếp hạng PCI của Hà Nội cũng bắt đầu diễn ra từ thời điểm này, với chuỗi tăng hạng liên tục 7 năm liền từ năm 2013 Hà Nội, khi trở lại xếp vị trí thứ 33/63 như năm 2009 (trong đó, chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 2/63 tỉnh, thành, còn chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin xếp thứ 13 và chỉ số tiếp cận đất đai vẫn đội sổ), nằm ở nhóm chất lượng điều hành khá. Đặc biệt, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2018, 2019 vượt lên vị trí thứ 9, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012.

Trong số các chỉ tiêu thành phần PCI, Hà Nội dường như có lợi thế và đạt điểm cao hơn về các chỉ số: Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; Đào tạo lao động; Kết cấu hạ tầng và Thiết chế pháp lý...

Hà Nội có một số lợi thế vượt trội so với các địa phương khác về điều kiện giao thông, với tính chất là đầu mối về đường không, đường sắt, đường bộ và có cả cảng sông lớn. Khả năng cung cấp điện và nước cho Thủ đô dồi dào. Điện cung cấp cho Hà Nội có thể chiếm tới 20% so với tổng nguồn của cả nước, trong đó trên 30% được dành cho công nghiệp.

Hà Nội hiện đóng góp 34% tổng nguồn vốn huy động, 21% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng, khả năng đáp ứng yêu cầu về thông tin liên lạc, các dịch vụ, đặc biệt là tài chính - ngân hàng cũng thuận lợi. Thủ đô đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 60% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước; phổ cập giáo dục PTTH và tương đương trên 80%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo luôn gấp đôi và mức tăng trưởng GDP luôn cao hơn 1.5 lần mức trung bình cả nước.

Hà Nội là trung tâm kinh tế của cả nước, có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như dịch vụ, dân số đông, có thu nhập khá nên sức tiêu thụ của Thủ đô rất lớn

Hà Nội là trung tâm kinh tế của cả nước, có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như dịch vụ, dân số đông, có thu nhập khá nên sức tiêu thụ của Thủ đô rất lớn

Trung tâm kinh tế, thông tin cả nước

Sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư ở Hà Nội còn do Hà Nội là trung tâm kinh tế, thông tin và của cả nước, có rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, cũng như dịch vụ, dân số đông, có thu nhập khá nên sức tiêu thụ xét về mọi phương diện của Thủ đô là rất lớn.

Hà Nội đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp hoạt động (chiếm khoảng hơn 30% tổng số doanh nghiệp cả nước) và đăng ký mới hàng năm; thu hút 16,7% tổng số dự án và trên 10% tổng vố FDI đăng ký còn hiệu lực của cả nước; hiện chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, trong đó có 198 làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc 47/52 nhóm nghề như: gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, sơn mài. Hà Nội còn có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và vô giá, với khoảng 5.000 di tích, danh thắng lịch sử, trong đó có 2.104 di tích đã được xếp hạng (765 di tích quốc gia và quốc tế). Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển được ban hành, thực hiện đồng bộ trong các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu...

Phát huy lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành nhiều chính sách mới tạo sự thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế. Thành ủy Hà Nội còn có riêng một chương trình công tác toàn khóa giai đoạn 2011-2015 về nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô trong tình hình mới.

Trước mắt, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Thủ đô; đặt trọng tâm chỉ đạo vào việc tiếp tục phát huy những lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và độ mở website, chủ động tăng cường công khai, minh bạch hóa thông tin, các tài liệu pháp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, đồng thời đăng tải trên website của các sở, ngành.

Đặc biệt chú trọng trong việc lập các mẫu giấy tờ, thủ tục để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng điền, hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời có hướng dẫn rõ ràng phương thức hoàn chỉnh hồ sơ. Các biểu mẫu này phải đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện và thường xuyên được cập nhật. Nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông bằng cách tăng cường đầu tư cho cán bộ công chức: nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt giáo dục là thái độ ứng xử của cán bộ công chức. Áp dụng rộng rãi hình thức đăng ký kinh doanh, hải quan, đăng ký đầu tư... trực tuyến nhằm tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, công dân tại các sở có liên quan nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ. Đầu tư thiết bị đồng bộ (đặc biệt là hệ thống mạng và phần mềm) để duy trì sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có liên quan.

Khảo sát về sự hài lòng của nhân dân

Trước mắt, tập trung công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch sử dụng đất 2011-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm... và các loại quy hoạch ngành có liên quan quy hoạch xây dựng ngay sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, qua đó cải thiện rõ rệt tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp ý kiến về các quy định, chính sách của Nhà nước bằng cách tăng cường các cuộc đối thoại doanh nghiệp - chính quyền, thông qua đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố, thông qua website của thành phố và diễn đàn đối thoại trên mạng Internet, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề... Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên;

Tăng cường công tác thanh tra công vụ tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp; Tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả hơn nữa mô hình “Tổ công tác liên ngành” trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp...

Triển khai thực hiện chế độ khảo sát về sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở - ngành, quận - huyện trong việc phục vụ nhân dân. Với những thành quả và bài học của quá khứ, cộng với sự đồng tâm, đồng sức và sự hòa đồng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, với các địa phương và với bạn bè khắp năm châu, chắc chắn Hà Nội sẽ vững vàng vượt qua những thách thức, phát huy những lợi thế, xây dựng Thủ đô ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Bác Hồ và xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của cả nước.

Tiếp tục cải cách hành chính

Kết quả cải thiện thứ hạng PCI của Hà Nội tùy thuộc rất lớn vào chính sách tuyển dụng, quản lý và loại bỏ các đầu mối, công đoạn quản lý trung gian chồng chéo, thanh lọc và thay thế các cán bộ chủ chốt, cũng như công chức thừa hành kém hiệu năng, thiếu trách nhiệm, để có đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cao, có tính năng động, tiên phong, tinh thần trách nhiệm công vụ và thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân; phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, các đường dây nóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp (trực tiếp, qua điện thoại hay email...); kịp thời tiếp nhận ý kiến và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, cắt giảm thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi để được nộp thuế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như đăng ký kinh doanh, khắc dấu, mua hóa đơn, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., giúp giảm thiểu phí không chính thức và gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Thành phố cũng cần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của UBND, HĐND thành phố; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự, giám sát và kiểm tra định kỳ để bảo đảm mọi khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật.