Bước ngoặt mở ra cục diện pháp lý ở Biển Đông bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Mỹ tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ là bước ngoặt lớn trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề tranh chấp tại vùng biển này mà còn mở ra bước ngoặt lớn đối với cục diện Biển Đông, trước hết là về pháp lý.

Bước ngoặt mở ra cục diện pháp lý ở Biển Đông bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp ảnh 1Mỹ sẽ hành động cứng rắn hơn sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ cân nhắc trừng phạt đối với yêu sách chủ quyền phi pháp 

Mỹ đã nhiều lần tuyên bố xung quanh các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, song cho tới trước khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ra tuyên bố ngày 13-7 bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ mới chính thức khẳng định lập trường, chính sách trong vấn đề này. Phải trải qua thời gian tới 25 năm (từ tuyên bố đầu tiên được đưa ra năm 1995 tới tuyên bố ngày 13-7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo), Mỹ mới định hình được lập trường, chính sách chính thức trong một điểm nóng của khu vực và thế giới (và có thể còn tiếp diễn trong thời gian dài phía trước nếu tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị chặn đứng).

Trong tuyên bố được cho là thể hiện lập trường lần đầu tiên về vấn đề Biển Đông vào năm 1995, Mỹ chỉ nhấn mạnh không ủng hộ bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này, bày tỏ quan ngại với yêu sách trái Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp. Từ đó cho tới tuyên bố ngày 13-7-2020 của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Mỹ từng 7 lần ra tuyên bố nhưng vẫn dừng lại ở lên án, chỉ trích các hành vi như: quân sự hóa, vi phạm chủ quyền các quốc gia liên quan, hung hăng, gây hấn và bắt nạt của Trung Quốc; cũng như khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông… chứ chưa lần nào tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện qua “đường lưỡi bò 9 đoạn” hay thuyết “Tứ Sa” năm 2013 (căn cứ mà Trung Quốc vin vào để thực hiện quân sự hóa, vi phạm chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở Biển Đông).

Vì thế, tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bước ngoặt mang tính chuyển đổi về chất trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề nóng bỏng này. Giới phân tích cho rằng, lập trường mới của Mỹ có thể dẫn tới những diễn biến quan trọng tiếp theo ở Biển Đông. Có thể thay đổi cục diện mà Trung Quốc thiết lập thời gian dài qua với cái đích cuối cùng là hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.

Trong động thái đầu tiên của Chính quyền Mỹ sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á David Stilwell ngày 14-7 cho biết, Washington có thể áp lệnh trừng phạt lên giới chức và các công ty Trung Quốc liên quan đến các yêu sách phi pháp ở Biển Đông của nước này. “Mọi phương án đều được cân nhắc. Có chỗ cho các biện pháp trừng phạt” - ông David Stilwell khẳng định.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cũng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của các nước ASEAN đối với chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông, qua đó mở đường cho những bước đi quan trọng tiếp theo, trước  là về pháp lý. Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Greg Poling cho rằng, sau tuyên bố thể hiện bước đi tiên phong của Mỹ, các quốc gia khác trên thế giới, trước hết là những quốc gia trong khu vực chưa tuyên bố lập trường chính thức, có thể tiếp tục lên tiếng.

Tiến sĩ Zachary Abuza của Học viện Chiến tranh Mỹ nhìn nhận rằng, nếu Mỹ thể hiện đầy đủ sự cam kết thì đây là thời cơ để tạo ra một liên minh pháp lý quốc tế chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ gây áp lực lớn lên Bắc Kinh trong cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hành động cứng rắn hơn, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi cả trong nước Mỹ và thế giới. Một nhóm nghị sĩ cấp cao của 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 14-7 đã khẳng định ủng hộ mạnh mẽ đối với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo. “Mỹ cam kết duy trì luật pháp quốc tế, cam kết triển khai máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép, cam kết ủng hộ các đối tác và tổ chức trong khu vực muốn giải quyết tranh chấp thông qua giải pháp ngoại giao hòa bình”  - nhóm nghị sĩ lưỡng đảng khẳng định.

Trong thông cáo đưa ra sau Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định “nhất trí cao” với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông" - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh trong thông cáo của Bộ Quốc phòng nước này. 

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines nhân dịp này kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra ngày 12-7-2016, trong đó khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” ở Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là không có cơ sở. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS 1982 mà nước này đã ký kết tham gia. Cùng với đó, Bộ trưởng Delfin Lorenzana khẳng định, Philippines sẽ tiếp tục thúc đẩy COC có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết tranh chấp và ngăn leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trong động thái thể hiện cam kết mạnh mẽ ngay sau tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tàu khu trục USS Ralph Johnson trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ xuất hiện gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một số thực thể, đá ngầm và đòi chủ quyền phi pháp theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Động thái này, theo giới phân tích, nhằm chuyển tải thông điệp Mỹ “nói đi đôi với làm” sau tuyên bố khẳng định bước ngoặt chính sách lớn trong vấn đề Biển Đông, đặt nền móng cho những hành động cứng rắn hơn của Washington trong tương lai tại vùng biển này.

Tàu hải quân Mỹ khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông

 Hải quân Mỹ ngày 14-7 đã công bố ảnh cho thấy tàu khu trục USS Ralph Johnson tiếp tục thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tham vọng độc chiếm Biển Đông và các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở vùng biển này là hoàn toàn phi pháp.

Cùng ngày, Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ xác nhận, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) đã thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông. Tàu USS Ralph Johnson đã được triển khai trong các hoạt động an ninh hàng hải và hợp tác an ninh vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

“Mỹ duy trì tự do hàng hải như một nguyên tắc. Chừng nào mà một số quốc gia tiếp tục yêu sách và áp đặt giới hạn vượt quá thẩm quyền của họ theo luật pháp quốc tế, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và tự do về biển cho tất cả mọi người. Không thành viên nào trong cộng đồng quốc tế bị đe dọa buộc phải từ bỏ quyền và tự do của họ”, thông cáo của Hải quân Mỹ khẳng định.

Mỹ đang điều chỉnh chính sách về Biển Đông của mình, khẳng định không còn quan điểm trung lập nữa mà ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 và chính thức bác bỏ nhiều yêu sách của Trung Quốc đối với tuyến hàng hải quan trọng này, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết hôm 13-7. “Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát vùng biển này là hoàn toàn bất hợp pháp”, ông Mike Pompeo nhấn mạnh.

Trong những tháng gần đây, quân đội Mỹ đã tăng cường các hoạt động ở Biển Đông để đáp lại những gì Lầu Năm góc mô tả là Trung Quốc gia tăng hoạt động nhằm ép buộc các nước láng giềng và các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của họ ở Biển Đông trong khi khu vực và thế giới đang tập trung vào việc giải quyết đại dịch Covid-19.

(Theo Business Insider)