Bước đi chống độc quyền của Mỹ với “ông lớn” công nghệ Google

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong nỗ lực tạo cơ hội cạnh tranh công bằng trên thị trường, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã chính thức yêu cầu Alphabet, công ty mẹ của Google, phải bán trình duyệt Chrome nhằm giảm bớt quyền lực độc quyền của gã khổng lồ công nghệ này.

Chrome có thể bị bán với giá từ 15-20 tỷ USD

Theo DOJ, Google đã sử dụng quyền lực kinh tế để ký kết các thỏa thuận độc quyền với Apple, Samsung, Mozilla và nhiều nhà sản xuất khác nhằm giúp Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên hầu hết các thiết bị và trình duyệt, hạn chế sự cạnh tranh từ các đối thủ như Bing hay DuckDuckGo. Google cũng bị cho là tìm cách kiểm soát cách người dùng truy cập Internet và loại quảng cáo mà họ tiếp cận thông qua trình duyệt Chrome.

Google đang bị Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu bán trình duyệt Chrome

Google đang bị Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu bán trình duyệt Chrome

Với cấu trúc công ty phức tạp, thông qua công ty mẹ Alphabet, Google hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công cụ tìm kiếm, phần mềm, quảng cáo, công nghệ di động, cho đến nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và xe tự lái. Hiện tại, Chrome chiếm khoảng 2/3 thị phần trình duyệt toàn cầu và đã vượt qua các đối thủ về tăng trưởng. Trong quý III-2024, doanh thu từ dịch vụ đám mây của Google, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và đăng ký phần mềm, đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11,35 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của Amazon Web Services (AWS) chỉ tăng 19%, Microsoft tăng 33%.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Google phải đối mặt với sự chỉ trích từ nhiều phía về hành vi chống cạnh tranh và sự thống trị trên thị trường. Các cơ quan quản lý tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Google và công ty mẹ Alphabet. Một trong những lý do chính của các cuộc điều tra này là việc Google kiểm soát gần như toàn bộ mảng tìm kiếm trên Internet và quảng cáo kỹ thuật số thông qua các nền tảng như Google Ads và YouTube.

Các điều tra cho thấy Google đã chi khoảng 26,3 tỷ USD vào năm 2021 để ký kết các thỏa thuận độc quyền với Apple, Samsung, Mozilla và nhiều nhà sản xuất khác. Các thỏa thuận này giúp Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên hầu hết các thiết bị và trình duyệt, tạo ra một hệ sinh thái khép kín, duy trì lưu lượng truy cập khổng lồ và giúp Google Chrome tận dụng dữ liệu người dùng để cải thiện dịch vụ, khiến các đối thủ Bing hay DuckDuckGo khó cạnh tranh.

Một lý do khác để đề xuất chia tách Google là lo ngại về sự bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. Với sự hiện diện của Google trong hầu hết các mảng công nghệ, từ điện thoại di động (Android), trình duyệt web (Chrome), cho đến hệ thống đám mây (Google Cloud), hãng có thể thu thập và sử dụng khối lượng lớn dữ liệu của người dùng. Nhiều nhà lập pháp và chuyên gia lo ngại rằng, việc tích hợp tất cả những dịch vụ này dưới một mái nhà duy nhất có thể dẫn đến việc lạm dụng quyền lực và thao túng thông tin.

Ngoài việc ép Google phải bán Chrome, DOJ còn yêu cầu xem xét thêm các biện pháp kiểm soát đối với trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ điều hành Android của Google. Google cũng bị yêu cầu phải chia sẻ dữ liệu tìm kiếm với các đối thủ trong vòng 10 năm và cho phép các website từ chối việc sử dụng dữ liệu của họ để đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu việc rao bán diễn ra, Chrome sẽ có giá trị ít nhất 15-20 tỷ USD, với hơn 3 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.

Goole gọi đề xuất này là “cực đoan”, cho rằng các biện pháp này không chỉ gây hại cho Google mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng. Trong một tuyên bố, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, ông Kent Walker cho rằng: “Cách tiếp cận của DOJ sẽ dẫn đến sự can thiệp chưa từng có của chính phủ, gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đồng thời gây nguy hiểm cho vị thế lãnh đạo kinh tế và công nghệ toàn cầu của Mỹ”. Ông Walker cho biết Google sẽ đưa ra các khuyến nghị của mình trong một hồ sơ, dự kiến đệ trình vào tháng 12 tới và sẽ tranh luận tại phiên điều trần vào tháng 4-2025 trước Thẩm phán Tòa án cấp quận Amit Mehta.

Tiền lệ pháp lý cho các vụ kiện chống độc quyền

Không riêng gì Google, hiện có 5 vụ kiện đang chờ xử lý chống lại các công ty công nghệ lớn liên quan đến luật chống độc quyền. Vụ gần đây nhất là vào tháng 3-2024, khi Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) cáo buộc Apple - nhà sản xuất iPhone lạm dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực điện thoại thông minh cao cấp. Trong quá khứ, vào những năm 1990, Microsoft cũng từng bị cáo buộc sử dụng hệ điều hành Windows để loại bỏ sự cạnh tranh từ các trình duyệt web khác, đặc biệt là Netscape. Tuy nhiên, Microsoft đã không bị chia tách sau khi đạt được một thỏa thuận với DOJ.

Với việc yêu cầu Google bán trình duyệt Chrome, cơ quan quản lý Mỹ đang nghiêm túc hơn bao giờ hết trong việc đối phó với các hành vi độc quyền, từ đó định hình một thị trường công bằng và minh bạch hơn trong kỷ nguyên số. Hành động nhằm vào Google đặt ra tiền lệ pháp lý cho các vụ kiện chống độc quyền khác nhắm tới các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Amazon và Meta.

Tuy nhiên, việc tách trình duyệt Chrome khỏi một tập đoàn lớn như Google không phải là điều dễ dàng. Quá trình này sẽ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, kỹ thuật và kinh tế. Với một cấu trúc công ty phức tạp, các bộ phận của Google không chỉ phụ thuộc lẫn nhau về tài chính, mà còn về dữ liệu và công nghệ. Google thu thập và sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ từ người dùng trên toàn cầu để cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa và quảng cáo nhắm mục tiêu. Nếu công ty bị chia tách, câu hỏi đặt ra là liệu những dữ liệu này sẽ được phân chia như thế nào và các phần mới của công ty có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả như trước đây không.

Việc tách Chrome khỏi Google cũng có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Google cung cấp các dịch vụ miễn phí như Gmail, Google Maps và công cụ tìm kiếm, vốn trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày với nhiều người. Một trong những lý do Google có thể cung cấp các dịch vụ này miễn phí là do lợi nhuận đến từ hệ thống quảng cáo tích hợp chặt chẽ với dữ liệu người dùng. Nếu hệ thống này bị chia cắt, Google có thể dẫn đến sự kém hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ miễn phí cho người dùng.

Theo nhà phân tích quảng cáo và truyền thông kỹ thuật số Evelyn Mitchell-Wolf tại Emarketer, việc tìm kiếm khách mua tiềm năng cho Chrome cũng là một thách thức. Các công ty có đủ khả năng tài chính và quan tâm đến Chrome như Amazon.com Inc. cũng đang đối mặt với sự giám sát chống độc quyền, điều có thể ngăn cản một thương vụ lớn như vậy. Nhiều khả năng, việc hợp nhất Chrome với một công ty AI có trụ sở tại Mỹ có thể dễ dàng vượt qua sự giám sát của chính phủ hơn so với một “gã khổng lồ” công nghệ khác.

Thêm vào đó, chống độc quyền không phải lúc nào cũng hiệu quả. Mặc dù các cơ quan quản lý Mỹ đã thành công trong việc chia tách một số tập đoàn lớn trong quá khứ, như vụ công ty viễn thông AT&T lớn nhất Mỹ bị chia tách thành 7 công ty con nhỏ hơn vào năm 1982, nhưng không phải lúc nào các vụ chia tách này cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Thực tế là đôi khi việc chia tách có thể dẫn đến sự hình thành của các công ty nhỏ hơn nhưng vẫn duy trì sự thống trị trong thị trường của mình, hoặc thậm chí khiến các công ty nhỏ này dễ dàng bị mua lại bởi các đối thủ khác.