Ấn Độ:

Bùng nổ nạn buôn bán trẻ em

ANTĐ - Buôn bán trẻ em là một trong những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Ấn Độ. Tính trung bình, mỗi năm có đến trên 135.000 trẻ em ở Ấn Độ mất tích. Nhiều trẻ em bị bán làm nô lệ cho các gia đình giàu có ở thành phố lớn. Hiện tượng trẻ em mất tích vẫn chưa có chiều hướng “hạ nhiệt” ở Ấn Độ.

Những con số đáng báo động

Hàng nghìn trẻ em bị bán từ các vùng nông thôn xa xôi của Ấn Độ đến các thành phố, thường là lao động chân tay hoặc giúp việc cho các gia đình giàu có. Ước tính, từ giữa năm 2011-2013, hơn 10.500 trẻ em bị báo cáo mất tích từ các tiểu bang miền trung Chhattisgarh, một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ.

“Buôn bán người vào mục đích tình dục hay các mục đích khác đã tồn tại khá lâu ở Ấn Độ nhưng buôn bán trẻ em làm nô lệ là hiện tượng tương đối mới“, HS Phoolka, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền cho biết. “Điều này là do nhu cầu gia tăng người giúp việc trong nước. Khoảng cách thu nhập giàu, nghèo giữa khu vực đô thị và nông thôn ở Ấn Độ ngày càng lớn. Buôn bán trẻ em làm nô lệ thời hiện đại cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng trong xã hội”. 

Bùng nổ nạn buôn bán trẻ em ảnh 1

Trẻ em ở New Delhi tham gia một buổi cầu nguyện chấm dứt chế độ nô lệ trẻ em 
trong tháng 11-2014

Câu chuyện của Deepti Minch, 19 tuổi ở làng Kunuri là một ví dụ. Em bị bán làm nô lệ ở tiểu bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Một tên buôn người đã đến thăm gia đình và hứa với mẹ em rằng, em có thể kiếm được 5.000 rupee (khoảng 79 USD)/tháng. Sau đó, em bị bán cho một gia đình giàu có. “Phải mất vài năm sau tôi mới biết mình bị bán”, Deepti Minch nhớ lại.

“Tôi đã đau khổ và khóc rất nhiều. Cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn. Tôi làm việc từ 6 giờ sáng đến nửa đêm. Tôi đã phải tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc trẻ con và xoa bóp chân cho chủ trước khi đi ngủ. Khi làm việc không tốt, tôi đã bị mắng nhiếc thậm tệ”, Deepti Minch nói. Cuối cùng, Deepti đã chạy trốn và trở về với gia đình.

 Một trường hợp khác, Salmaet ở làng Sihardhar, Chhattisgarh cũng mất tích khi mới 11 tuổi. 7 năm trôi qua, Salmaet vẫn chưa được tìm thấy. “Tôi nghĩ rằng, con bé đã đi đến một ngôi làng lân cận nhưng nhiều ngày không thấy con bé trở về tôi đã lo lắng và bắt đầu đi tìm. Mặc dù vẫn chưa tìm thấy Salmaet nhưng tôi hy vọng con bé an toàn”, Thibu Ram, cha của Deepti nói. Sự mất tích của Salmaet chỉ là một trong vô số trường hợp trẻ em mất tích ở Ấn Độ. Sự sợ hãi khiến rất ít gia đình mất con khai báo mất tích. Mặc dù Salmaet mất tích vào năm 2008 nhưng đến tận năm nay, gia đình mới tìm đến cảnh sát. 

Những đứa trẻ bị mất tích ở Chhattisgarh chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số trẻ em mất tích trên toàn quốc mỗi năm, ước tính khoảng 135.000 trẻ. Theo thống kê của các nhà chức trách Ấn Độ, tính trung bình, cứ 8 phút có một trẻ em mất tích ở Ấn Độ và gần một nửa trong số đó có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy. Phần lớn những đứa trẻ mất tích xuất thân từ những gia đình nghèo khó. Các nhà nghiên cứu xã hội học ở Ấn Độ cho rằng, nhiều trẻ em mất tích đã “rơi” vào tay của những kẻ buôn người.

Tuy nhiên, số lượng trẻ em mất tích ở các làng xa xôi ở phía nam Chhattisgarh đang gây báo động. Năm ngoái, Tòa án tối cao Ấn Độ đã bày tỏ mối quan tâm đến số lượng trẻ em mất tích ở Chhattisgarh. Nỗ lực đầu tiên mà Ấn Độ thực hiện là tăng việc làm trong lĩnh vực mà trẻ em bị buôn bán làm nô lệ. Các nhà hoạt động bảo vệ quyền trẻ em nói rằng, rất nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề.

“Hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết, đó là tình trạng thực thi pháp luật yếu, bất ổn dân sự, nghèo đói, mù chữ… Đó là những khu vực xa xôi mà các cơ quan thực thi pháp luật không thể đến được”, Bhuwan Ribhu, một nhân viên của phong trào bảo vệ trẻ em có tên là Bachpan Bachao Andolan nói. 

Chưa phải vấn đề quan tâm hàng đầu

Rishi Kant, một trong những nhà hoạt động chống nạn buôn bán trẻ em ở Ấn Độ cho biết, nạn buôn bán trẻ em vẫn chưa được các cơ quan thực thi pháp luật thực sự coi trọng, nhất là ở những khu vực nông thôn như Chhattisgarh.

“Vấn đề quan tâm hàng đầu của tất cả các bang trên khắp Ấn Độ là nghèo đói chứ không phải nạn buôn bán trẻ em“, ông Rishi Kant nói. “Trong các tiểu bang như Chhattisgarh hay Jharkhand, thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em khó khăn vì chính quyền quá bận rộn chiến đấu với lực lượng vũ trang nổi dậy Maoist hoặc tình trạng bất ổn dân sự. Buôn người không phải là một ưu tiên”. 

Aradhana Singh, người đứng đầu tổ chức chống buôn người ở Khundi, bang Jharkhand nói rằng, cảnh sát thiếu cả lực lượng và ý chí để giải quyết vấn đề. “Chúng tôi chỉ đơn giản là không có nguồn lực”, cô Aradhana Singh nói.

“Điện thoại không hoạt động, điện bị cắt thường xuyên khiến chúng tôi không thể sử dụng máy tính hoặc máy fax. Chúng tôi không có văn phòng đủ rộng để cung cấp các dịch vụ tư vấn cho người dân. Hầu hết cảnh sát không thấy rằng, buôn bán người là một tội ác. Thậm chí họ còn cho rằng, trẻ em nghèo di cư kiếm sống tốt hơn và điều này không có gì nghiêm trọng”, Aradhana Singh chia sẻ.

“Tình hình trở nên nghiêm trọng khi những kẻ buôn người nắm quyền lực. Nếu trường hợp có đơn tố cáo chống lại họ, họ có thể gây áp lực cho các gia đình để thay đổi hoặc đe dọa. Họ có nhiều tiền và có cả quyền lực nên có thể làm tất cả những gì mà họ muốn”, Prasanta Dash, người đứng đầu tổ chức UNICEF tại Chhattisgarh nói.