Bùng nhùng di dời trường ĐH ra ngoại thành

(ANTĐ) - Giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cũng như nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục cho các trường ĐH-CĐ trên địa bàn, UBND TP.HCM quyết tâm di dời các trường ra ngoại thành. Tuy nhiên việc di dời ra sao, trường nào phải di dời, quy hoạch và xây dựng như thế nào để các trường vẫn đảm bảo hoạt động, còn là những băn khoăn chưa thể tháo gỡ.

Bùng nhùng di dời trường ĐH ra ngoại thành

(ANTĐ) - Giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cũng như nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục cho các trường ĐH-CĐ trên địa bàn, UBND TP.HCM quyết tâm di dời các trường ra ngoại thành. Tuy nhiên việc di dời ra sao, trường nào phải di dời, quy hoạch và xây dựng như thế nào để các trường vẫn đảm bảo hoạt động, còn là những băn khoăn chưa thể tháo gỡ.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, nếu không kể các trường thuộc lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị, xã hội, trên địa bàn TP.HCM có 112 trường ĐH-CĐ trong đó 69 trường nằm trong nội thành với 516.000 SV. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn sau 2020, thành phố sẽ có thêm 16 trường ĐH và 18 trường CĐ. So với 30 năm trước, diện tích TP.HCM chỉ tăng 1,38 lần trong khi quy mô dân số tăng gấp nhiều lần, số lượng các trường ĐH-CĐ tăng 7 lần, số lượng SV tăng 19 lần, chưa kể số các trường phổ thông trên địa bàn cũng tăng rất nhanh...

Ông Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học Bộ GD-ĐT cho biết, tổng quỹ đất của các trường ĐH-CĐ rất nhỏ, 32/40 trường ĐH tại TP.HCM bình quân diện tích đất/SV chỉ khoảng 12m2 (chưa  đạt một nửa tiêu chí đất đai để thành lập trường theo Quyết định 07/2009 của Chính phủ), 15 trường trong nội thành chỉ có diện tích đất/SV từ 0,44 - 5,46m2. hầu hết dưới 10ha, bình quân diện tích m2/SV quá thấp so với TCVN: 3981-1985. Thống kê này cho thấy, các trường ĐH-CĐ ở trung tâm TP.HCM đang ngày càng quá tải, lại xen lẫn giữa các khu dân cư đông đúc dẫn đến môi trường sư phạm, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng gây trở ngại cho việc mở rộng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và ảnh hưởng đến sự phát triển mọi mặt của các trường.

Các trường năng khiếu như Đại học Mỹ thuật sẽ không thuộc diện di dời khỏi nội thành
Các trường năng khiếu như Đại học Mỹ thuật sẽ không thuộc diện di dời khỏi nội thành

Từ năm 2006, TP.HCM đã chủ trương di dời các trường ĐH-CĐ ra ngoại thành và kế hoạch đến năm 2013 sẽ di dời xong 69 trường tới các trung tâm ĐH đạt tiêu chuẩn ở khu đô thị Đại học Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi với diện tích 660ha; khu đại học phía Nam với tổng diện tích 735ha nằm trên địa bàn quận 7, Bình Chánh và Nhà Bè; khu đại học Đông Bắc với diện tích 815ha trên địa bàn quận 9, Thủ Đức và một phần huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, vướng mắc về tiêu chí di dời đã khiến các trường kéo dài kế hoạch di dời.

Thực tế, 2/3 các trường đều đang đi thuê mặt bằng ở nhiều nơi trong nội thành để giảng dạy, các khu học tập có mật độ xây dựng quá cao, các khu chức năng cơ bản quá thiếu... Đến khi Bộ GD-ĐT bắt buộc phải đảm bảo quy chuẩn 12-25m2/SV, các trường mới đua nhau đi... tìm đất. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hiến than thở: Từ năm 2007, trường được giao lô đất 5,69ha ở Bình Chánh nhưng công tác giải tỏa đền bù vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Hướng, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM thông tin, trường đã có 10ha đất ở quận Thủ Đức, được cấp 300 tỷ đồng nhưng chưa làm xong các thủ tục xin cấp phép xây dựng... 

Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cho rằng: Các trường hiện đang tự “bơi” loay hoay tìm quỹ đất nên gặp nhiều vướng mắc về địa điểm, có khi các điểm trường đã chọn chưa chắc đã phù hợp quy hoạch của thành phố, mặc cho dự án các khu đại học tập trung, các trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo chất lượng cao của thành phố đã được định hướng, vẫn đang... “đắp chiếu”!

Tại hội nghị giữa Bộ GD-ĐT, UBND TP vừa tổ chức tuần qua, đại diện các trường ĐH-CĐ trên địa bàn TP.HCM đã ủng hộ không di dời khỏi nội thành các trường năng khiếu đào tạo âm nhạc, hội họa; các trường có công trình giáo dục có ý nghĩa văn hóa, lịch sử cần bảo tồn. 40 trường không đủ diện tích 25m2/SV hoặc có diện tích dưới 2ha, cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo không đạt yêu cầu; trường đào tạo nhiều cấp học, trong đó cấp học được giao nhiệm vụ đào tạo chính ít hơn cấp học khác; trường đã được phê duyệt kế hoạch di dời và trường có hơn 2 cơ sở đào tạo trong nội thành sẽ thuộc diện phải di dời. Trước mắt, thành phố thí điểm di dời 5 trường với nhu cầu vốn khoảng 600 triệu USD; đồng ý thí điểm di dời 3 trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ, Đại học Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM và Trung cấp Điều dưỡng-Kỹ thuật Y tế Hồng Đức ra khu đô thị Tây Bắc thành phố.

Võ Thị Vân - Bảo Lâm