Bùi Tiến Tuấn với “đặc sản” tranh lụa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Khi còn là sinh viên (những năm 1994-1995), Bùi Tiến Tuấn đã tập tành sáng tác, đến nay xem lại những tác phẩm thời kỳ này, vẫn thấy được ý hướng thẩm mỹ mà anh đã theo đuổi, khám phá suốt 30 năm qua. Vì vậy mà, triển lãm song hành và nhìn lại lần này mới có tên là “Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình/ An artistic exploration”.

Từ cuối thập niên 1 của thế kỷ 21, thế hệ Bùi Tiến Tuấn (chỉ vài người thôi) đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm hơi cũ kĩ, nặng lối mòn tuyên truyền, ngay trong trường mỹ thuật cũng hơi bị xem nhẹ. Quan trọng hơn, là do thiếu nhân tố sáng tác mới, đủ hấp lực, để thu hút tầm quan tâm của cộng đồng mỹ thuật.

Tác phẩm "Trừu tượng" - tranh sơn dầu

Tác phẩm "Trừu tượng" - tranh sơn dầu

Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, với dấu ấn khá riêng biệt, nên tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với chỉ riêng tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.

Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.

Tác phẩm "Tuổi mộng mơ" - tranh lụa trưng bày tại triển lãm

Tác phẩm "Tuổi mộng mơ" - tranh lụa trưng bày tại triển lãm

Giám tuyển Lý Đợi nhận xét “Nhìn lại hơn 90 năm của hành trình tranh lụa Việt Nam, thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường. Những phụ nữ của cả hai như chiếm trọn không gian của cả bức tranh, đôi khi lấn lướt, thay thế mọi sự, mọi vật. Nếu so với cấu trúc phổ biến kiểu thiên-địa-nhân của một bức tranh lụa truyền thống (trừ tranh thờ, tranh vẽ vua quan), thì Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, đôi khi không cần thiên hoặc địa”.

Tác phẩm "Lễ hội phù hoa" - tranh acrylic

Tác phẩm "Lễ hội phù hoa" - tranh acrylic

Triển lãm cá nhân “Một hành trình” của họa sĩ: Bùi Tiến Tuấn khai mạc lúc 9h00 sáng, ngày 22/2/2025 tại Sann - The house of Art (Nhà trưng bày triển lãm thành phố), 92 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM.