Bức xạ vũ trụ dễ gây mất trí

ANTĐ - Phi hành gia vũ trụ được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới, khi mỗi sai lầm đều có thể nguy hiểm đến tính mạng. Một nghiên cứu mới còn cho thấy, việc tiếp xúc quá lâu với bức xạ vũ trụ ngoài không gian cũng là một nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe của các phi hành gia.

Nghiên cứu của các nhà khoa học của Trung tâm y tế trường Đại học Rochester (Mỹ) xác nhận mối liên hệ giữa bức xạ vũ trụ với các căn bệnh thoái hóa thần kinh, trong đó có bệnh Alzeimeh. Thí nghiệm trên chuột cho thấy, nếu một phi hành gia tiếp xúc với bức xạ vũ trụ trong vòng 3 năm liên tục có khả năng mắc bệnh mất trí nhớ.

Theo Tiến sĩ M.Kerry O’Banion - Trung tâm y tế trường Đại học Rochester, ngoài nguy cơ gây ung thư và các bệnh như đục thủy tinh thể, việc ở ngoài không gian quá lâu có thể làm tăng khả năng mắc các bệnh thoái hóa thần kinh. Công nghệ chế tạo tàu vũ trụ hiện nay cho phép bảo vệ phi hành gia dưới tác động của bức xạ mặt trời. Tuy nhiên ở bên ngoài quỹ đạo trái đất, mức độ bức xạ cao hơn và rộng hơn rất nhiều. Thí nghiệm trên được công bố đúng vào lúc NASA vừa công bố kế hoạch đưa con người lên một tiểu hành tinh trong vũ trụ vào năm 2021 và lên Sao Hỏa vào năm 2035. Tuy nhiên, đến lúc đó, có thể các nhà khoa học đã tìm ra và phát triển các công nghệ mới để bảo vệ các phi hành gia.