“Bức tường lửa” quá đắt

ANTĐ - Cho dù cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, song các thành viên vẫn quyết định thiết lập một “bức tường lửa” tài chính trị giá 800 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Các thành viên Eurozone thỏa thuận thiết lập một ngân quỹ trị giá 800 tỷ euro

để đối phó với khủng hoảng nợ công

Thỏa thuận về nguồn ngân quỹ mới trị giá 800 tỷ euro (gần 1.100 tỷ USD) đã được các bộ trưởng tài chính Eurozone và quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) đạt được trong cuộc họp tại  Copenhagen (Đan Mạch) trong 2 ngày 30 và 31-3. Trong khoản ngân quỹ mới, 500 tỷ euro sẽ được dành cho các khoản vay mới và 300 tỷ euro dùng để giải ngân các khoản vay đã cam kết dành cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.

Theo Bộ trưởng Tài chính Áo Maria Fekter, Eurozone sẽ kết hợp hai quỹ cứu trợ là Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) có tính tạm thời và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) thường trực trong một năm để có thêm nguồn tài chính sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bà Fekter cho biết, hai quỹ cứu trợ của Eurozone (ESM và EFSF), theo kế hoạch sẽ được triển khai song song từ nay tới giữa năm 2013.

Việc 17 thành viên Eurozone nhất trí thiết lập “bức tường lửa” tài chính 800 tỷ euro được xem là sự nhất trí cũng như quyết tâm cao của châu Âu trong việc giải quyết và ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ công tại châu lục này. Đáng nói là động thái này diễn ra trong bối cảnh mà cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu được xem đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất khi Hy Lạp được giải cứu bằng khoản cứu trợ trị giá 130 tỷ euro tháng 2 vừa qua.

Thế nhưng, dù “mắt xích” yếu nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là Hy Lạp có thoát khỏi cảnh vỡ nợ công vào phút chót, song nợ công vẫn là một cuộc khủng hoảng nguy hiểm với châu Âu. Ngoài Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã phải nhận các khoản cứu trợ thì nhiều quốc gia khác trong Eurozone cũng đang phải vật lộn đầy khó khăn với nợ công, trong đó có hai nền kinh tế lớn là Italia và Tây Ban Nha.

Bởi vậy, xem ra dù rất nỗ lực để nâng quy mô “bức tường lửa” tài chính lên 800 tỷ euro, song chừng đó xem ra vẫn chưa đủ để đối phó hữu hiệu nhất với cuộc khủng hoảng nợ công trong trường hợp nó lan rộng, nhất là tới các “ông lớn” kinh tế ở châu Âu như Italia hay Tây Ban Nha. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, bên cạnh việc chúc mừng châu Âu đạt được thỏa thuận về quỹ cứu trợ 800 tỷ euro, lẽ ra Quỹ này phải lên tới trên 1.000 tỷ euro mới thực sự tạo ra “bức tường lửa” tài chính ứng phó được với khủng hoảng nợ công trong trường hợp cần phải giải cứu các nền kinh tế lớn như Italia hay Tây Ban Nha.

Chính vì thế, theo sự gợi ý của EC, Eurozone nên vận hành Quỹ EFSF song song với Cơ chế ESM vì điều đó sẽ kết hợp được 500 tỷ euro của ESM và 200 tỷ euro mà EFSF đã cam kết. EC cho rằng, với sự kết hợp này, cùng với việc bổ sung số tiền còn lại của EFSF (khoảng 240 tỷ euro), khoản tiền sử dụng để cứu trợ tài chính trong khu vực đồng tiền chung sẽ lên tới 940 tỷ euro.