"Bức tường biên giới" - Quân bài mặc cả trên chính trường Mỹ

ANTD.VN - Dù đang là nguyên nhân khiến Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động một phần, “bức tường an ninh” trên biên giới Mỹ - Mexico vẫn tiếp tục là mục tiêu phải thực hiện bằng được của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Bức tường biên giới" - Quân bài mặc cả trên chính trường Mỹ ảnh 1Những người di cư cố gắng trèo qua bức tường an ninh trên biên giới Mỹ - Mexico

Phát biểu trong cuộc gặp với các binh lính tuần tra trong chuyến thăm tới biên giới Mỹ - Mexico, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của “bức tường an ninh”. Ông Trump khẳng định việc xây dựng bức tường dọc biên giới Mexico dưới bất kỳ hình thức nào, dù bằng thép hay bằng bê tông, sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tội phạm bạo lực.

 Ngay từ khi lên nhậm chức, ông Trump đã coi kế hoạch xây dựng bức tường an ninh ở biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư trái phép là chủ đề trọng tâm của chính sách đối nội. Tuy nhiên, nguồn cơn của bức tường đã có từ lâu. Từ những năm 1990, chính quyền đã dựng 23km hàng rào sắt gần San Diego để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp. Hàng rào này sau đó nổi tiếng với tên gọi “Bức tường bánh ngô”. Tên gọi này tiếp tục được gán cho toàn bộ đường biên giới Mỹ - Mexico.

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, chiều dài hơn 3.000km dọc biên giới Mỹ - Mexico trở thành vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Năm 2006, Quốc hội Mỹ thông qua việc xây dựng 1.126km hàng rào vĩnh cửu để cách ly Mỹ với Mexico. Một hàng rào ảo khác cũng được áp dụng để lấp vào các chỗ trống bằng những công nghệ mới nhất.

Các đời Tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton, G.W.Bush đến B.Obama đều tiếp tục các dự án xây dựng tường rào ở biên giới. Tuy nhiên, tình trạng vượt biên vẫn diễn ra và trò “mèo đuổi chuột” giữa cảnh sát và kẻ nhập cư tưởng như không bao giờ kết thúc. Đến tháng Giêng năm 2011, ông Napolitano, Bộ trưởng An ninh Nội địa lúc đó quyết định từ bỏ dự án tiếp tục xây dựng vì tốn kém và không hiệu quả. Các cuộc tuần tra biên giới lại trở về những biện pháp cơ bản như dùng ống nhòm, thiết bị ban đêm và vũ khí.

Nhưng với ông Trump thì “bức tường biên giới” lại trở thành một vấn đề cốt lõi, một biểu tượng trong chương trình nghị sự. Để đạt mục tiêu, ông Trump sẵn sàng đối đầu với Hạ viện do phe Dân chủ đối lập kiểm soát, khiến Chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần và 800 nghìn nhân viên công vụ phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương.

Sự cứng rắn đó nhằm phát đi một thông điệp mà ông Trump đã theo đuổi ngay khi lên nắm quyền là “nước Mỹ trước tiên”. Theo Giáo sư Paolo von Schirach, Viện trưởng Viện Chính sách toàn cầu, bức tường biên giới với Mexico là biểu trưng cho “sự cứng rắn hơn” của Mỹ trong một thế giới mà Washington cho là thù địch, là một biểu tượng mang nhiều sắc thái cảm tính đối với nền tảng chính trị của Tổng thống Donald Trump.

Trong khi ông Trump kiên quyết yêu cầu kế hoạch ngân sách phải bao gồm khoản 5,7 tỷ USD chi cho việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico, thì phe Dân chủ một mực phản đối, cho rằng hầu hết những người nhập cư trái phép không gây ra những tội nghiêm trọng và thực chất là Tổng thống đang cố chấp bảo vệ tư tưởng cánh tả của mình.

“Bức tường biên giới” đã trở thành con bài mặc cả trên chính trường Mỹ, đúng như phân tích của ông Barry Friedman từng làm việc tại Đại học Brown University (Mỹ): “Quốc hội Mỹ có thể nhất trí về các chính sách để hạn chế di cư bất hợp pháp và sàng lọc kỹ hơn đối với người tị nạn, đồng thời đưa ra những hạn chế đối với người di cư bất hợp pháp. Nếu đạt được, với Tổng thống Trump, đây sẽ là một chiến thắng trong việc mặc cả và mối đe dọa khi xây bức tường này chỉ là một quân bài mặc cả đắt đỏ, vốn có thể không cần thiết”.