Bức tường an ninh tiếp tục gây chia rẽ nước Mỹ

ANTD.VN - Bất chấp việc Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản ngân sách dành cho chính phủ với những khoản thêm cho an ninh biên giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn  tiếp tục theo đuổi kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để lấy tiền xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Bức tường an ninh tiếp tục gây chia rẽ nước Mỹ ảnh 1Người di cư từ Trung Mỹ đang tìm cách vượt qua hàng rào trên biên giới Mỹ-Mexico 

Theo thông tin từ Nhà Trắng, một khi công bố tình trạng khẩn cấp, ông Trump sẽ có trong tay khoảng 8 tỷ USD để thực hiện mục tiêu xây bức tường an ninh trên biên giới với Mexico. Con số này bao gồm 1,375 tỷ USD cho hàng rào ở Texas, 600 triệu USD từ quỹ chống ma túy của Bộ Tài chính, 2,5 tỷ USD từ chương trình chống ma túy của Bộ Quốc phòng và 3,5 tỷ USD từ ngân sách xây dựng quốc phòng.

Kế hoạch xây bức tường dọc biên giới dài 3.200km giữa Mỹ và Mexico là ưu tiên trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016. Sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã đề xuất khoản ngân sách 5,6 tỷ USD để thực hiện mục tiêu này với lý do ngăn dòng người nhập cư trái phép, tội phạm, tình trạng buôn lậu và buôn bán ma túy từ Mexico vào Mỹ.

Nhưng với những người thuộc phe Dân chủ hiện đang kiểm soát Hạ viện Mỹ, việc ông Trump muốn xây tường biên giới chỉ là cách để ông đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nhập cư phức tạp hơn và lôi kéo sự ủng hộ của phe bảo thủ. Từ một vấn đề an ninh, bức tường trên biên giới Mỹ-  Mexico đã trở thành tâm điểm cuộc đối đầu chính trị giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, giữa ông Trump và Quốc hội Mỹ.

 Thỏa hiệp mà phe Dân chủ ký hôm 14-2 vừa qua, đồng ý cấp 1,375 tỷ USD để xây dựng 55 dặm hàng rào dọc biên giới ở Rio Grande Valley rõ ràng thấp hơn nhiều so với mức 5,6 tỷ USD mà ông Trump đề xuất. Đó là lý do ông Trump quyết theo đuổi ý tưởng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để toàn quyền xử lý vấn đề theo ý mình.

Được thông qua năm 1976, Đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép Tổng thống Mỹ có quyền thiết lập các ngoại lệ để bản thân có thể phá các nguyên tắc, giúp chính phủ phản ứng nhanh chóng với tình trạng khẩn cấp. Nếu vận dụng đạo luật này, ông Trump sẽ có thể huy động các nguồn tiền để xây tường biên giới mà không cần thông qua quốc hội. 

Chẳng hạn trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, ông Trump có thể lệnh cho Bộ trưởng Lục quân ngừng các dự án xây công trình dân dụng để chuyển sang xây tường trên biên giới. Ông Trump cũng có thể cho phép Bộ trưởng Quốc phòng sử dụng tiền mà quốc hội đã cấp cho các mục đích xây dựng nhưng chưa được dành cho dự án cụ thể nào để xây dựng bức tường.

Tuy nhiên, để làm được việc trên, ông Trump sẽ phải chứng minh rằng tình trạng hiện nay là khẩn cấp, nếu không ông sẽ bị coi là lạm dụng quyền lực. Trong khi đó, phe Dân chủ cho rằng với số người vượt biên trái phép giảm rất nhiều so với đỉnh điểm cách đây 20 năm, làm sao có thể tuyên bố tình hình biên giới phía Nam là khẩn cấp để có lý do xây tường. Họ còn lập luận rằng dòng người từ Trung Mỹ chủ yếu là người nhập cư không tìm cách trốn qua biên giới mà tới biên giới Mỹ-Mexico để trình diện xin tị nạn vào Mỹ.

Với việc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố nếu ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đảng Dân chủ có thể xem xét các hành động pháp lý để ngăn chặn ông chủ Nhà Trắng, việc xây tường biên giới có thể đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Quá khứ cho thấy, mặc dù các tổng thống đôi khi nói rằng hiến pháp cho phép họ có quyền lực bất biến để hành động ngoài giới hạn pháp lý thông thường trong trường hợp cấp bách, nhưng các tuyên bố này thường đuối lý khi bị đưa ra tòa. Vai trò Tổng thống cho ông Trump quyền lực rất lớn nhưng không phải có thể dễ dàng vượt qua tầm kiểm soát của quốc hội.