Bức tranh thế giới năm 2016 còn nhiều gam màu xám

ANTĐ - Năm 2015, nhiều khu vực trên thế giới đã chìm trong tình trạng bất ổn và mất an ninh. Đến nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, cho thấy triển vọng bức tranh thế giới trong năm 2016 vẫn còn nhiều gam màu xám. Dưới đây là dự báo một số xu thế thế giới trong năm 2016.

Bức tranh thế giới năm 2016 còn nhiều gam màu xám ảnh 1Năm 2016, nhiều nơi trên thế giới vẫn chìm trong xung đột

1. Sự hợp tác mong manh giữa các cường quốc

Hoạt động tranh cử Tổng thống Mỹ; sự gia tăng các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga và Trung Quốc; sự bắt buộc phải cùng chung sống ở những chiến địa như Syria... sẽ khiến EU, Mỹ, Nga và Trung Quốc tăng cường phối hợp với nhau. Tuy nhiên, sự hợp tác này sẽ rất mong manh và khó duy trì lâu dài, nhất là do quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc. Cuộc xung đột giữa Trung Quốc - một quốc gia đang lên - với Mỹ, sự bất đồng căn bản về thế giới quan và lợi ích giữa Mỹ và Nga hiện đã trở nên quá sâu sắc. Tuy nhiên, sự phối hợp sẽ tạo cơ hội thúc đẩy và thể chế hóa sự trao đổi thông tin sâu hơn giữa các cường quốc quân sự lớn. Cơ hội này sẽ không bị bỏ qua và sẽ là một trong số ít các điểm sáng trong bối cảnh ngày càng phức tạp của cuộc xung đột toàn cầu. 

2. Những thách thức mà NATO phải đối mặt

Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức tại Warsaw vào tháng 7-2016 được dự đoán là sẽ “thành công” như những lần trước. Tuy nhiên, đằng sau thành công đó sẽ là những thách thức ngày càng tăng mà liên minh quyền lực nhất thế giới này phải đối mặt. Có 3 thách thức nổi bật: Một là, sự căng thẳng giữa các đồng minh “phía Đông” và “phía Nam” liên quan đến việc ưu tiên chính của NATO sẽ là Nga hay sự bất ổn ở Bắc Phi/Trung Đông và vấn đề người di cư mà nó tạo ra.

Hai là, có một thực tế không dễ chịu, đó là khả năng quân sự của NATO không đủ để đối phó với những chiến thuật và chiến lược của Nga hay những nguyên nhân chính trị cơ bản của cuộc khủng hoảng di cư. Ba là, sự hợp tác hiệu quả với EU vẫn còn xa mới đạt được như mong muốn. Những thách thức này sẽ càng phức tạp khi tới tháng 7-2016, đội ngũ các nhà lãnh đạo của NATO sẽ có sự thay đổi do cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và “cuộc chiến” về vấn đề tư cách thành viên EU của Anh. Dư luận cho rằng an ninh của châu Âu không chỉ cần có sự can dự tích cực của tân Tổng thống Mỹ mà còn cần được coi là ưu tiên cho năm 2017. 

3. Tổng thống Nga Vladimir Putin lại thắng Tổng thống Mỹ Barack Obama

Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Obama đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, hi vọng sẽ ngăn chặn những hành xử gây hấn của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, ngay cả khi xảy ra vụ một tên lửa đất đối không do Nga sản xuất bắn hạ máy bay chở khách Malaysia vào tháng 7-2014, ông Obama cũng chẳng làm được gì để buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm.

Năm 2015, Tổng thống Nga đưa quân đổ bộ, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới Syria để chống khủng bố và hỗ trợ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một hành động phủ nhận hoàn toàn nỗ lực chống khủng bố mà nhóm liên quân gồm tới hơn 60 nước do Mỹ đứng đầu, vốn ghét ông Assad, thực hiện từ trước đó. Tổng thống Obama cho rằng áp lực của quốc tế cùng với sự nhận thức của người dân Nga rằng Tổng thống Putin không hành động vì lợi ích của họ sẽ làm thay đổi cách hành xử của Nga. Cả hai năm 2014 và 2015, ông Obama đều đã nhầm. Dự đoán sang năm 2016, khi nhiệm kỳ hai của ông Obama kết thúc, ông Putin sẽ xóa bỏ những kết quả “lấp lánh” của chính sách ngoại giao của ông Obama. 

4. Các đường biên giới giữa châu Âu lại xuất hiện

Những bất đồng ở châu Âu do chủ nghĩa khủng bố và vấn đề di cư ồ ạt từ Syria và những nơi khác gây ra sẽ trở nên sâu sắc hơn vào năm 2016. Các phong trào dân túy như Mặt trận Quốc gia của Pháp và đảng Dân chủ Thụy Điển ở Thụy Điển sẽ lớn mạnh. Các đảng trung-hữu sẽ cố gắng lôi kéo các cử tri bằng cách thiên hữu trong vấn đề di cư và thiên tả trong vấn đề kinh tế, còn các đảng trung-tả sẽ tiếp tục đánh mất cử tri. Sự kiểm soát biên giới sẽ được tái thiết lập rộng rãi và thường xuyên, chấm dứt giấc mơ về một châu Âu không biên giới, nơi mà người dân, lao động và hàng hóa được tự do qua lại.  

5. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” vẫn tồn tại; Mỹ, Nga liên kết

Sự bất ổn ở Trung Đông vẫn tiếp tục. Năm 2016 sẽ là năm tồi tệ đối với IS ở Iraq và Syria khi mất dần lãnh thổ và sụt giảm các nguồn thu tài chính. Phương Tây sẽ tiếp tục phải chịu những vụ tấn công liều chết, song sẽ nhận ra rằng những vụ này không liên quan tới vận mệnh thịnh suy của IS và hướng sự chú ý sang các nguyên nhân gốc rễ khác. Các diễn biến và lợi ích liên kết sẽ đưa Mỹ và Nga xích lại gần nhau hơn trong vấn đề khu vực này. 

6. Trung Quốc gia tăng hành động ở Biển Đông

Hoạt động ngoại giao Biển Đông là tâm điểm của các nỗ lực song và đa phương nhằm giải quyết những tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Hoạt động ngoại giao bị chững lại trong khi Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc đang xem xét vụ việc, còn Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc do dự trong việc đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Mặc dù vậy, Trung Quốc tiếp tục tạo dựng các căn cứ mới thông qua việc bồi đắp các đảo nhân tạo từ các bãi đá ngầm và san hô.

Những hành động này là bất hợp pháp theo Luật Biển quốc tế, song giới cầm quyền Trung Quốc cho rằng cách duy nhất để duy trì sự hiện diện của Trung Quốc ở những vị trí này là sử dụng vũ lực. Không có nước nào, kể cả Mỹ, chuẩn bị cho việc đó. Bởi vậy, “chiến thuật cắt lát salami” của Trung Quốc dường như có hiệu quả và cho thấy trong tương lai, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hành xử theo cách này. Căng thẳng tại một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới sẽ tiếp tục. Mặc dù chiến tranh tổng lực chưa chắc xảy ra song khả năng các vụ đụng độ nhỏ giữa các bên tranh chấp là khá cao. 

7. Số phận cuộc chiến chống khủng bố được quyết định

Trừ phi Tổng thống Mỹ Barack Obama có những hành động mang tính quyết định, năm 2016 sẽ là năm mà nỗ lực chống khủng bố - vốn loay hoay suốt thập kỷ qua - sẽ được để lại cho chính quyền kế nhiệm quyết định. Những nguyên tắc về sử dụng máy bay không người lái thực hiện các vụ tiêu diệt mục tiêu và báo cáo về việc sử dụng các máy bay này trong thập kỷ qua sẽ được công bố hoặc các vụ tấn công sẽ tiếp tục với rất ít hoặc không có sự giám sát công khai. Cuộc chiến chống IS sẽ được phê chuẩn hay vẫn tiếp tục tồn tại chỉ dựa vào những cảnh báo về mối nguy cơ sắp đến không đủ để có được một chiến dịch thực sự và những lời khẳng định sai lầm rằng IS cũng giống al-Qaeda dù rằng hai nhóm này tiến hành chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau.

Năm 2016 sẽ là năm quyết định cuộc chiến chống khủng bố sẽ có một khuôn khổ pháp lý khi Tổng thống mới lên nắm quyền hay lại mất thêm 4 năm nữa cho những tranh cãi chính trị và những ý tưởng bất chợt hơn là luật pháp và quy định.