- Các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 2,1 triệu tỷ đồng trong năm 2024
- 'Muốn đột phá hạ tầng giao thông, nhất định phải mời gọi các tập đoàn kinh tế tư nhân'
Nhiều ngành sản xuất đều có tín hiệu tích cực |
Nền tảng tăng trưởng vững chắc
Kết thúc năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 7,09%. Con số này vượt xa mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2024 là 6,5-7%, cũng như ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế đưa ra trước đó. Năm 2024, Ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm; Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 4-2024; IMF dự báo đạt 6,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4-2024.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố rủi ro, nhất là trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. “Nhờ đó, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới với mức dự báo tăng trưởng cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và được nâng dự báo vào những tháng cuối năm khi bối cảnh kinh tế dần ổn định hơn” - bà Nguyễn Thị Hương nói.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý 4 các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, Như vậy, nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I/2024 tăng 5,98%, quý II/2024 tăng 7,25%, quý III/2024 tăng 7,43%).
Bình luận về khả năng phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam, đại diện EuroCham cho hay: “Khi bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu tiếp tục biến động, vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng ở khu vực Đông Nam Á ngày càng được củng cố. Bất chấp những thách thức toàn cầu như áp lực lạm phát và căng thẳng chính trị đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bền bỉ”.
Sự phục hồi kinh tế ấn tượng của Việt Nam, được minh chứng qua Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham, báo hiệu triển vọng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây. Dù phải đối mặt với các thách thức trong vận hành và những bất ổn toàn cầu, các doanh nghiệp vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, với nhiều kế hoạch mở rộng và đầu tư vào các chiến lược dài hạn. Trong suốt 2 năm qua, Chỉ số BCI chủ yếu dao động quanh mức trung lập là 50, thậm chí có lúc còn giảm xuống dưới ngưỡng này. Tuy nhiên, báo cáo quý IV/2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi chỉ số đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Theo kết quả khảo sát, 42% người tham gia cho biết họ cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại, trong khi 47% kỳ vọng điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục lạc quan trong quý tiếp theo. Đáng chú ý hơn, 56% dự báo sự cải thiện trong triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025. “Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về quá trình chuyển đổi chính trị và kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua. GDP của đất nước vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á” - ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.
Sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” - quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực. Các doanh nghiệp nắm bắt những xu hướng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với một số doanh nghiệp thậm chí báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với năm trước. Xu hướng bền vững, được thúc đẩy bởi cả chính sách của Chính phủ Việt Nam và các quy chuẩn xanh của quốc tế, đang trở thành yếu tố quan trọng trong việc hình thành chiến lược kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
Còn theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ 2020 đến nay, mặc dù phần nào chịu thiệt hại do tác động của cơn bão Yagi. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%. Sự kết hợp giữa phục hồi nhanh và yếu tố nền so sánh thấp của năm trước (3 quý đầu năm 2023 tăng trưởng thấp) đã tạo ra mức tăng trưởng cao cho toàn ngành công nghiệp trong năm 2024. Kết quả này được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm; các tập đoàn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết bị điện tử tăng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về phía cầu, xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% năm 2023. Đầu tư có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn trong đầu tư vào các dự án cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước ổn định có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng năm 2024.
Kỳ vọng tăng trưởng đột phá trong năm 2025
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Đức Anh - giảng viên Học viện Ngân hàng cho hay, tăng trưởng GDP “hai con số” được hiểu là mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Mục tiêu này sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nhưng hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ và tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới. Vị chuyên gia này cũng chỉ ra 4 động lực lớn cho tăng trưởng năm mới là: Công nghiệp bán dẫn và AI, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và du lịch thông minh và kinh tế số. Dự báo từ trang Seasia Stats cũng cho thấy, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào năm 2025 với GDP đạt 506 tỷ USD. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam được thúc đẩy bởi sự bùng nổ sản xuất và thu hút FDI.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương cũng nhận định, năm 2025, ở góc độ thế giới thì IMF đề cập đến 7 rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Cụ thể, thắt chặt chính sách tiền tệ gây tác động nhiều hơn dự kiến; thị trường tài chính định giá lại do đánh giá lại chính sách tiền tệ; căng thẳng nợ công gia tăng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển; ngành bất động sản Trung Quốc thu hẹp sâu hơn dự kiến; giá hàng hóa tăng đột biến do hậu quả của các cú sốc khí hậu; xung đột khu vực hoặc căng thẳng địa chính trị rộng hơn; các quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ; bất ổn xã hội tiếp diễn. Các rủi ro này có thể có những tác động không tốt tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Còn về tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút FDI liên tục gia tăng gia tăng, đầu tư công tiếp tục được chú trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm quốc gia, có tác động lan tỏa tới nền kinh tế là những yếu tố thuận lợi cho kinh tế trong nước cũng như sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. “Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo” - bà Nguyễn Thị Hương cho hay.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị, cần có giải pháp để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đồng quan điểm trên, đại diện EuroCham cũng cho hay, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này. “Niềm tin ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn chính là minh chứng cho cho nền tảng vững chắc của đất nước trong cả thương mại và chính sách kinh tế. Mặc dù đối mặt với những thách thức toàn cầu, môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam vẫn đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ, sản xuất, du lịch và năng lượng tái tạo” - Chủ tịch EuroCham nói.