Bức tranh đẹp về tình làng nghĩa xóm

(ANTĐ) -Với người nông dân, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thế nhưng không phải người nông dân nào cũng có đủ tiền để mua con nghé, con bê. ở miền sơn cước Lạc Thủy - Hòa Bình, nhiều gia đình chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ có con trâu, con bò để tăng gia cày cấy nếu như không có một người có tấm lòng nhân ái.

Bức tranh đẹp về tình làng nghĩa xóm

(ANTĐ) -Với người nông dân, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thế nhưng không phải người nông dân nào cũng có đủ tiền để mua con nghé, con bê. ở miền sơn cước Lạc Thủy - Hòa Bình, nhiều gia đình chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ có con trâu, con bò để tăng gia cày cấy nếu như không có một người có tấm lòng nhân ái.

“Thấy họ nghèo tội lắm”

Anh Nguyễn Cao Kỳ có nước da sạm nắng, nụ cười khoáng đạt luôn nở trên môi. Người ta gặp anh sẽ cảm nhận được vẻ dễ chịu ngay từ ban đầu. Ngôi nhà anh bình dị như bao ngôi nhà khác ở nông thôn Việt Nam.

Anh Thu người đã được anh Kỳ (bên trái) giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống
Anh Thu người đã được anh Kỳ (bên trái) giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống

Chỉ có điều, nhà anh nằm chênh vênh trên sườn núi. Phía sau có bãi đất hoang rất rộng. Góc sau lưng ngôi nhà 4 gian là vài ngăn chuồng bò, trâu. Anh bảo: “Tôi vừa đi chăn bò về, sáng sớm đưa bò đi gặm cỏ sương là tốt lắm”. “Anh nuôi nhiều trâu bò vậy?”. Anh Kỳ nhấn nhá một lúc. “ừ! Nuôi để ai cần thì cho vay”.

Đến nay, anh Kỳ đã trao cho người dân khoảng hơn 200 con trâu, bò dưới hình thức nuôi rẽ. Người nhận trâu, bò từ gia đình anh Kỳ có quyền sở hữu như của mình. Nếu trâu, bò sinh sản, con bê, con nghé thứ nhất sẽ thuộc về người nuôi. Con thứ 2 sẽ phải trả cho anh Kỳ.

Chị Thủy vợ anh Kỳ nói vui: “Ông ấy suốt ngày làm bạn với trâu, làm thân với bò. Bò ốm anh ấy còn lo hơn tôi ốm”. Sểnh nhà ra, là anh Kỳ đi “khảo sát”. Anh lên mãi Kim Bôi tìm hiểu xem nhà ai cần trâu bò mà không có vốn để cho vay nuôi.

Anh Kỳ nói: “Ai mà không làm nông nghiệp thì có lẽ hiểu về giá trị con trâu, bò quan trọng chỉ ở mức độ. Tôi không vụ lợi gì trong việc làm ấy, tôi chỉ thấy người nghèo tội nghiệp nên tôi làm như vậy”. Nghĩa cử mộc mạc của người nông dân Nguyễn Cao Kỳ làm bà con xã Phú Thành nhiều năm nay bớt vất vả. Có người bảo, anh xóa đói giảm nghèo thật tài tình, giỏi hơn người chuyên nghiên cứu và làm việc về vấn đề này.

Chủ tịch Hội CCB xã Hưng Thi, Lạc Thủy, xác nhận: “Anh Kỳ sống tình làng nghĩa xóm lắm. Tôi và anh ấy khác xã nhau, nhưng anh ấy cho bà con xã tôi nuôi rẽ đến gần 50 con trâu, bò. Cả xã có 86 hộ, thì nay 46 hộ có gia súc là nhờ anh cả”.

Chị Mầu Thị Thu ở xóm Thung Trâm, xã Hưng Thi bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Vụ mùa tôi thường đi làm đổi cho nhà có trâu, bò để họ cày, bừa giúp. Năm 1998, tôi được anh Kỳ cho nuôi rẽ bò. Đến nay, tôi đã có 5 con bò nái, đời sống gia đình cũng đã khá hơn nhiều”.

Năm 1998, chị Thu nhận anh Kỳ một con bò nái về nuôi không phải trả bất cứ khoản lãi hay vật dụng gì. Năm 1999, con bò chị nuôi rẽ đẻ lứa đầu được con bê cái và tiếp đến năm 2008, cả bò và bê gia đình chị Thu đã có tất thảy 5 con trong chuồng. Gia đình anh Bùi Văn Thu cùng xóm trước đây cũng là gia đình nghèo. Năm 1992, anh Thu đã từng mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua trâu về để cày cấy, nhưng không may, trâu bị ngã bệnh chết.

Cuộc sống đã khó lại càng khốn thêm. Trâu không còn, làm lụng vất vả không kiếm đủ ăn. Lãi mẹ đẻ lãi con. Cuộc sống của gia đình anh trở nên kiệt quệ. Cán bộ ngân hàng đến siết nợ đòi ký sổ cắm nhà để thanh toán với số nợ 1,7 triệu đồng. Anh đã phải chấp nhận cuộc sống tạm bợ bên nương chè gần 2 năm trước.

Thật may mắn nhờ được anh Kỳ giúp đỡ, gia đình anh Thu bán 1 con bê với giá 3,5 triệu đồng và trả nợ được 1,7 triệu đồng cho ngân hàng để chuộc lại ngôi nhà bị bắt nợ trước đó.

“Tôi làm vậy vì tôi là nông dân nghèo”

Anh Kỳ quê gốc ở Mỹ Đức, Hà Nội. Bố làm bác sỹ, mẹ làm ruộng. Sống trong gia đình đông anh em nghèo khó. Là anh lớn trụ cột gia đình nên từ bé đã vất vả, lam lũ mưu sinh nuôi đàn em nhỏ.

Anh Kỳ cháy sạm da vì suốt ngày phơi nắng cắt cỏ cho bò
Anh Kỳ cháy sạm da vì suốt ngày phơi nắng cắt cỏ cho bò

Năm 1992, anh Kỳ bỏ nghề cày cấy ra phố làm thuê cho một lò bánh mỳ, sau chuyển sang làm cho một lò mổ lợn. Giữa chốn thị thành, làm gì cũng khó khi học hành chữ nghĩa không đến nơi đến chốn. Năm 1994, anh Kỳ về quê vợ miền sơn cước xóm Rị, xã Phú Thành, Lạc Thủy phát triển kinh tế chăn nuôi.

Miền xuôi đã khó, miền ngược cũng chẳng dễ gì. Vợ chạy chợ sớm hôm, anh thì rong ruổi nay Phú Thọ, mai Sơn La đi tìm mua trâu bò đưa về Lạc Thủy bán lấy lời. Lấy công xa, làm lãi nhỏ. Cuộc tìm kiếm, nay đây mai đó, rồi cũng tích cóp được chút vốn làm ăn. Thế rồi, từ 3 con trâu, bò đã nhân lên thành 6, thành 9… và đến nay trong chuồng nhà anh luôn có 20 con trâu, bò nái.

Khi hỏi tại sao anh lại nghĩ đến việc cho bà con nuôi rẽ trâu bò thì được anh Kỳ cho biết. “Tôi đã từng nghèo khó. Tôi biết cái nghèo sẽ quật ngã người có sức khỏe nhất. Người nông dân không có trâu, bò thì cày cấy sao được?”. Anh trả lời mộc mạc như việc anh đã làm.

Kể cũng lạ, anh Kỳ cho người ta nuôi bò, chẳng cam kết hay giấy tờ gì giữa đôi bên. Ai cần bò, đến nói một câu với vợ chồng anh rồi dắt về nhà. Hơn chục năm qua anh Kỳ cũng không nhớ chính xác đã có bao nhiêu người được vay như vậy, chỉ mang máng khoảng hơn 200 gia đình.

Nếu cứ nhân lên, ngần ấy con trâu bò với giá trung bình 3 triệu đồng 1 con thì anh đã làm từ thiện cho người nghèo đến cả bạc tỷ. Có người bảo, anh Kỳ đang vẽ lên cuộc sống một bức tranh đẹp về tình làng nghĩa xóm.

Nhã Linh