Bức tranh buồn của giáo dục mầm non

ANTĐ - Lại là giáo viên mầm non đánh trẻ! Nhiều người không còn cảm thấy sốc nữa, thay vào đó là tiếng thở dài chua xót. Không bị sốc, bởi những việc như của cô giáo Vân Anh, chủ nhóm lớp mầm non Tuổi Hoa (khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) khi liên tục tát vào mặt một đứa trẻ 3 tuổi trong giờ ăn đã không còn xa lạ với dư luận. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn mặc định rằng, đã cho con đi trẻ thì phải chấp nhận sẽ bị cô đánh, cô phạt (theo cách phản giáo dục), chẳng qua là “khuất mắt trông coi”, không “bắt tận tay” được mà thôi.

Bức tranh buồn của giáo dục mầm non ảnh 1Ảnh: Internet

Vẫn biết là những suy nghĩ đó cực đoan và có thể làm cho nhiều giáo viên mầm non chạnh lòng, nhưng cũng không thể trách các bậc phụ huynh, khi những hình ảnh đau lòng bên trong các lớp mầm non cứ liên tục đập vào mắt họ. Cũng chẳng mấy ai có thể bình tâm để mà thông cảm cho những áp lực nghề nghiệp của các cô. Cũng chẳng có mấy phụ huynh đủ rộng lượng để chấp nhận những lời xin lỗi và giải thích sau mỗi sự cố do các cô gây ra.

Thế nên, với những cô giáo mầm non, trước tiên phải nhắc mình cần có cái tâm và tình yêu trẻ, thứ nữa là trách nhiệm nghề nghiệp nếu đã lựa chọn cái công việc nặng nhọc và đầy áp lực ấy. Bởi nếu không, chỉ một phút không kiềm chế được bản thân, hậu quả không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến thể chất và tâm hồn trẻ, mà chính các cô cũng có thể mất tương lai.

Nhiều người vẫn nói vui nhưng đầy chua xót, rằng giáo dục mầm non bây giờ không bằng thời bao cấp. Tại sao lại vậy, trong khi giáo viên bây giờ được đào tạo bài bản hơn, cơ sở vật chất cũng được trang bị hiện đại hơn, các phương pháp dạy và học cũng được chuẩn hóa qua sự nghiên cứu của bao nhiêu chuyên gia…

Đó là vì, theo ký ức của nhiều người thời bao cấp, hồi ấy công nhân nữ cứ nghỉ sinh xong là mặc nhiên được gửi con vào các trường mầm non công lập, có thể ở ngay trong nhà máy, xí nghiệp của mình. Sáng gửi, giờ nghỉ trưa lại chạy qua cho con bú, chiều đón về. Vài ba tháng có khi đã đi gửi trẻ rồi. Còn giờ, tìm mỏi mắt cũng không thấy trường mầm non công lập nào nhận trẻ từ 6 tháng tuổi (thời điểm mà phụ nữ hết nghỉ thai sản). Nếu có thì chỉ có trường tư thục hay nhóm trẻ không phép, mà đây chính là nơi xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc thời gian qua. Còn nhà trẻ công, hãy đợi đấy, trẻ đến 3 tuổi có khi còn chẳng đủ lớp mà học, nói gì đến nhóm trẻ nhỏ hơn.

Tại nhiều nước phát triển, bậc học mầm non rất được chú trọng, vì đây là giai đoạn nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Còn ở ta lại chú trọng đến phần ngọn hơn khi mầm non bị coi nhẹ nhất trong các cấp học. Chúng ta đã phổ cập tiểu học, rồi THCS, nhưng đến nay, mới có khoảng 20 tỉnh, thành phố được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thật đáng buồn cho bức tranh giáo dục mầm non!