Bức “tâm thư” phản chủ

ANTĐ - Giới giải trí Việt thời gian gần đây có thêm một “trò” mới: trò viết tâm thư. Gây ra lỗi lầm, viết tâm thư xin lỗi. Mất của, viết tâm thư xin chuộc. Không bằng lòng về nhận xét của ai đó về mình, viết tâm thư phản pháo rồi… cạch mặt. Có điều nực cười là càng viết tâm thư thì người viết càng tỏ rõ sự kém cỏi trong cách ứng xử dẫn đến hậu quả là phải hứng “bão đá” từ dư luận. 

Điển hình là chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng viết tâm thư “đốp chát” lại nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gây ồn ào dư luận những ngày vừa qua. Trước những lời nhận xét không mấy dễ nghe của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về một số giọng hát được gán mác “ngôi sao”, trong đó có mình, Đàm Vĩnh Hưng ngay lập tức viết tâm thư bày tỏ sự tức giận và không ngại ngần gọi ông là “ngụy quân tử”. Bức tâm thư với lời lẽ kiêu ngạo, giọng điệu đầy hằn học của một kẻ tự cao và hiếu thắng khiến không ít người đọc thấy ngỡ ngàng và tức giận. Đây không phải bức tâm thư đầu tiên của nam ca sĩ họ Đàm, anh này từng viết từ tâm thư từ mặt giới báo chí đến tâm thư cạch mặt Thanh Lam, từ tâm thư giải thích về việc kết hôn giả đến tâm thư giải trình màn khóa môi với người tu hành… Song có lẽ bức tâm thư với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa rồi là bức tâm thư hỗn hào và đáng xấu hổ nhất của anh ta. 

Câu chuyện về bức tâm thư của Đàm Vĩnh Hưng khiến người ta nhớ lại chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà đáp trả lại lời chê của đàn chị Thanh Lam bằng việc chia sẻ hình ảnh “vỗ mông dạy con” với những lời lẽ chua ngoa không kém. Cách cư xử của Hồ Ngọc Hà ngay lập tức bị chỉ trích là thiếu khiêm tốn và vô lễ với người hơn mình cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Sau lần phản pháo này, nữ ca sĩ cũng tỏ ra chừng mực hơn trước những chia sẻ cá nhân hoặc đáp trả trước những lời góp ý từ ai khác. 

Chuyện khen chê ngẫm ra, âu cũng là điều bình thường với người thường, huống hồ với những người nổi tiếng, nhất là hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vốn rất khó rạch ròi hay dở. Người xưa vẫn nói: “yêu cho roi cho vọt”, rằng “thuốc đắng dã tật”… nhưng xem ra giữa giới giải trí xô bồ và hỗn loạn hiện giờ, những kẻ ngạo mạn vẫn thường chỉ coi mình là nhất. Con người vốn dĩ chẳng có ai hoàn hảo, còn được người khác chỉ ra điểm yếu, điểm chưa được là còn may mắn bởi có cơ hội để hoàn thiện mình. Chưa biết tài cán đến đâu, nổi tiếng thế nào nhưng đằng sau ánh hào quang sân khấu, công chúng vẫn luôn cần một con người biết lắng nghe và cư xử tử tế. Mà lẽ thường sự tử tế vốn không đến từ những bức tâm thư bịt tai chửi đổng cho hả dạ mà không thèm quan tâm đến phải trái, đúng sai, cao thấp. Một chính trị gia nổi tiếng thế giới đã từng nói: “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả”. Điều này, các nghệ sĩ trẻ cần phải học, hoặc chưa được học thì nên được dạy.