Bức ảnh tố cáo điểm yếu và khoảng cách mênh mông giữa Không quân Trung Quốc với Mỹ

ANTD.VN - Năng lực có một không hai trên thế giới của phi đội máy bay tiếp nhiên liệu đang phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ là điều mà Trung Quốc rất thèm muốn.

 

Trang Sina của Trung Quốc gần đây đã đăng tải bức ảnh về một phần sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ đóng tại căn cứ Al Gade trên đất Qatar.

Trong tấm ảnh có thể thấy ít nhất là 20 máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 Stratotanker trên khu vực sân đỗ, mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ trong quy mô khổng lồ máy bay tiếp dầu của Mỹ nhưng đã lớn hơn tổng số phương tiện loại này của Trung Quốc.

Máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker của Mỹ đóng tại căn cứ Al Gade

Máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker của Mỹ đóng tại căn cứ Al Gade

Như đã biết, quy mô của Không lực Hoa Kỳ (chưa tính không quân hải quân, lục quân và thủy quân lục chiến) đã là lớn nhất hành tinh với 5.000 máy bay các loại.

Trong đó riêng phi đội máy bay tiếp dầu đã là 500 chiếc, chiếm 2/3 số lượng toàn thế giới, bảo đảm cung cấp nhiên liệu đầy đủ 24/7 suốt 365 ngày trong năm để Quân đội Mỹ có thể làm tốt nhiệm vụ trên toàn thế giới.

Ngoài loại KC-46A Pegasus chỉ mới được biên chế, Không lực Hoa Kỳ có tổng cộng 400 chiếc KC-135 Stratotanker, 60 chiếc KC-10 Extender, đây đều là các loại máy bay hạng nặng có tầm hoạt động rộng và sức chứa rất lớn, đủ để đảm bảo hậu cần cho cả một phi đội hỗn hợp.

Máy bay tiếp nhiên liệu hoán cải từ oanh tạc cơ H-6 của Không quân Trung Quốc

Máy bay tiếp nhiên liệu hoán cải từ oanh tạc cơ H-6 của Không quân Trung Quốc

Sau khi trầm trồ, trang báo Trung Quốc chua chát thông báo rằng tổng số máy bay tiếp dầu mà Không quân nước này đang sở hữu chỉ dưới 20 chiếc, bao gồm cả 3 phi cơ Il-78 Midas mua lại từ Ukraine và phiên bản hoán cải từ máy bay ném bom H-6, theo nhiều nguồn tin, số lượng H-6 dùng cho nhiệm vụ tiếp dầu của Trung Quốc vào khoảng 12 chiếc còn hoạt động được.

Số lượng đã ít nhưng năng lực của số H-6 hoán cải công năng này cũng rất hạn chế, nó chỉ mang được tối đa 37 tấn nhiên liệu, lượng dầu có thể xuất ra vỏn vẹn 18,5 tấn. Trong mỗi lần thực hiện thao tác tiếp tế, nó chỉ tái nạp được cho tối đa 6 máy bay, không đủ để hỗ trợ tiêm kích hoạt động tác chiến tầm xa trên khu vực rộng lớn.

Ngoài ra một điểm yếu khác đó là ống bơm nhiên liệu của H-6 lại không tương thích với vòi nhận của Su-30, khiến chiếc tiêm kích đa năng này phải trông chờ hoàn toàn vào lượng dầu mang trong thân.

Máy bay tiếp dầu Il-78 Midas Trung Quốc mua lại từ Nga

Máy bay tiếp dầu Il-78 Midas Trung Quốc mua lại từ Nga

Giải pháp mua lại Il-78 có thể xem như là cách tốt nhất đối với Trung Quốc trong thời điểm này. Il-78 có 2 bồn chứa nhiên liệu kim loại bố trí trong thân có thể tháo rời, hai bên cánh cùng với phía trái của đuôi có thêm bồn chứa dạng pod, có thể cùng lúc tiếp nhiên liệu cho 3 máy bay tiêm kích hạng nặng.

Thùng xăng bay này có khả năng mang tối đa 65 tấn dầu, lượng nhiên liệu có thể bơm ra là 30 tấn nếu chiếc Il-78 đó hoạt động trong bán kính 2.500 km hoặc lên tới 60 tấn nếu bán kính hoạt động thu hẹp xuống còn 1.000 km.

Mặc dù tính năng là tương đối ưu việt nhưng số lượng quá nhỏ chỉ 3 chiếc khiến cho nó chỉ cung cấp được mức hỗ trợ hạn chế cho các phi vụ tầm xa của Không quân cũng như Không quân Hải quân Trung Quốc, đặc biệt khi các lực lượng này đã thay đổi học thuyết từ ngăn chặn xâm nhập lãnh thổ sang chiến lược có nội dung tương tự như tung đòn tấn công phủ đầu mà Mỹ vẫn áp dụng.

Điều đó dẫn đến kết luận rằng quy mô của Không quân Trung Quốc càng ngày càng lớn, cho nên việc phát triển mở rộng phi đội máy bay tiếp liệu là đòi hỏi mang tính tất yếu, hiện nay số lượng phi cơ chở dầu là chưa đủ nên càng cần phải đầu tư cho khí tài này trong tương lai, có thể bằng cách mua sắm thêm nhưng tối ưu vẫn là nên tự nghiên cứu chế tạo.