“Bùa yêu” gắn kết chàng trai tật nguyền và cô gái đẹp như hoa

ANTĐ - Anh cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Mã đỏ nặng phù sa của miền Tây Thanh Hoá. Từ những trang đời đẫm nước mắt, với nghị lực phi thường anh đã viết thêm một bản tình ca mới cho những “khúc độc hành” của dòng sông: Khát vọng để yêu thương và được yêu thương.

Tuổi thơ dữ dội của một đứa trẻ tật nguyền bẩm sinh

Người dân xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa vẫn hào hứng kể cho khách qua đường, hoặc kể cho nhau nghe về cuộc đời không may mắn của anh Nguyễn Văn Thành. Tuy anh năm nay đã gần 50 tuổi, nhưng hình ảnh một cậu bé khốn khổ vẫn còn được mọi người nhớ như in.

Mẹ anh vốn là một người phụ nữ khỏe mạnh, khi có mang anh thì đã luống tuổi. Vì gia đình đông con, lại là người tham công tiếc việc nên ngay cả khi cái thai đã được 8 tháng tuổi, mẹ anh vẫn làm quần quật, tối mịt mới từ bìa rừng đi về, bà bị cảm thừa sống thiếu chết. Sau 9 tháng mang nặng đẻ đau, đến ngày đứa bé trong bụng mẹ được nhìn thấy mặt trời. Nhưng thay cho những giọt nước mắt hạnh phúc khi ôm con trong tay, là những giọt nước mắt cay đắng khi nhìn hình hài bé bỏng của con mình. Khuôn mặt anh tuấn tú bao nhiêu, thì đôi chân teo nhỏ càng trở nên lòng khòng bấy nhiêu.

Người dân ở đây truyền tai nhau rằng: “Nhà ấy bị ma quấy”. Họ bảo tại bà cứ một mình làm ở những cánh đồng xa, đi rừng lấy măng, chặt củi nên bị tà ma theo, thậm chí có kẻ còn cho rằng: “Bà bị thả bùa độc đấy!”. Dòng sông Mã như sôi lên vì giận dữ, phù sa đỏ như ánh mắt dậy lửa của núi rừng bị xúc phạm. Nằm ôm con trên chiếc chõng bên bếp, bà khóc hết nước mắt.

 

Ảnh minh hoạ.

Cậu bé bị bại liệt đôi chân không thể đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Vì đường đến trường ở miền núi heo hút này với đứa trẻ có đôi chân lành lặn đã là một thử thách. Hằng ngày cậu chỉ biết lê la quanh nhà, nhiều khi tiểu tiện ra cả người. Nhìn đứa trẻ lấm lem bùn đát, có phần hôi hám, người đời không xót thương thì thôi lại còn ác miệng ghẻ lạnh: “Đã bảo con ma nó hành mà”!

Càng lớn khuôn mặt anh càng xanh xao hốc hác, không cử động mạnh được. Cả nhà gom góp tiền cho anh đi viện, bác sĩ nói anh bị hở van tim cấp 3. Cú đúp bất hạnh giáng xuống đầu con người khốn khổ ấy khiến anh nghĩ quẩn. Đợi khi cả nhà đi vắng, anh lết theo đường tắt ra dòng sông Mã định đặt dấu chấm hết cho bớt khổ, thì người đời mới hết gièm pha những lời thị phi, anh tủi phận nghĩ vậy. Giây phút định mệnh anh định gieo mình xuống dòng sông thì mẹ và gia đình anh hốt hoảng chạy đến. Tiếng mẹ khóc to, cứ nấc lên nghẹn ngào gọi tên anh, hãy về nhà với mọi người. Cái đạo hiếu làm con đã không cho anh được chết, được cõng về mà lòng anh nức nở.

Sau bận đó người dân nơi đây ít nhắc tới con ma làm tội anh, ai cũng sợ nhỡ không may anh chết đi lại về oán mình. Còn trong anh bừng lên khát vọng sống mãnh liệt để thay đổi số phận.

Cuộc đời hồi sinh từ những đau khổ

Anh bảo: “Trời không cho không và cũng không lấy không của ai cái gì bao giờ chú ạ. Trời công tâm mà!”. Tuy anh không may mắn có được đôi chân lành lặn như chúng bạn, nhưng lại được trời phú cho đôi bàn tay thiên bẩm và một trí óc minh mẫn. Để giết thời gian, anh thường ngồi vẽ những tấm hình về chim chóc, phong cảnh, chân dung... những bức vẽ rất có hồn, chân thực và sống động như thực. Tiếng lành đồn xa, nhiều người có đám hiếu hỉ nhờ anh vẽ hình, cắt chữ.

Anh bảo cũng một công đôi việc, vừa giúp họ nhưng đồng thời cũng là họ giúp mình biết mặt và quen được các con chữ. Ít ai nghĩ rằng người tạo nên những con chữ uốn lượn, từng bức hình sống động kia lại là một chàng trai bất hạnh.

Người bạn mở ra thế giới bên ngoài cho anh là một chiếc radio đã cũ mòn. Qua chiếc đài nhỏ, anh học được bao điều lý thú, sẻ chia được tâm tình với những người có cùng cảnh ngộ. Anh quý chiếc đài lắm, thế nhưng một ngày, nó bỗng trơ ra không chịu làm bạn cùng anh nữa. Buồn quá, anh đành tháo tung nó ra để bắt bệnh. Anh vô cùng thích thú với những sợi dây mảnh xíu bên trong. Sau khi nối lại những sợi bị mòn đứt, lau chùi sạch sẽ thì tiếng phát thanh viên lại lanh lảnh như trò chuyện cùng anh.

Biết chuyện, một vài người hàng xóm có đài hỏng, ti vi hỏng, máy bơm nước hỏng lại mang đến tỉ tê nhờ anh sửa hộ. Nếu sửa tốt có người cho anh tiền nữa, thấy công việc cũng khá nhẹ nhàng lại kiếm ra thu nhập, anh mày mò tự học thêm thông qua chiếc đài nhỏ, nhờ người thân mua sách cho để tham khảo. Thế rồi ven dòng sông Mã anh hùng, người ta thấy xuất hiện một quán sửa chữa đồ điện dân dụng, nhận cắt chữ, trang trí cho đám cưới. Ban đầu nhiều người còn hoài nghi vào khả năng của anh, nhưng rồi anh đã chứng minh cho họ thấy được “tài lẻ” của mình là có thật. Vừa có uy tín, giá cả vừa phải chăng nên khách hàng tìm đến với anh ngày càng nhiều, đến bây giờ dường như anh vẫn chưa tin mình có thể tạo lập được cuộc sống cho mình từ những điều giản dị như vậy.

Khúc tình ca bên dòng sông Mã của chàng trai bại liệt

Bận bịu với công việc hết ngày này qua tháng khác, vả lại trong hoàn cảnh của mình, anh cũng chẳng có tâm trí để suy nghĩ đến việc lập gia đình: “Vừa tàn tật, vừa mang bệnh trọng, thì chú nghĩ có cô gái nào dám lấy tôi? Ấy vậy mà, một lần nữa ông trời như một người ân nghĩa đền bù cho tôi, mang cô ấy đến với tôi” - ánh mắt anh lấp lánh hạnh phúc khi nhớ lại.

Vợ anh, chị Mai ở làng bên là một cô gái nết na, có khuôn mặt đẹp nền nã với làn da trắng nổi bật. Có biết bao nhiêu chàng trai thầm thương trộm nhớ, theo đuổi nhưng chị chưa thực sự ưng cái bụng. Cho đến một ngay, nhà chị có chiếc ti vi hỏng, được mọi người mách nước chị đem đến cửa hiệu sửa đồ dân dụng của anh để sửa.

Ấn tượng đầu tiên khi chị bước vào là một chàng trai có đôi chân teo nhỏ, nhưng ánh mắt rất sáng và cực kỳ khéo tay. Chỉ nhìn những con chữ như rồng bay phượng múa, nhìn từng nét vẽ của anh mà thêm phần cảm kích. Anh hơi luống cuống khi thấy có cô gái cứ nhìn mình, và luống cuống cũng bởi vì cô rất xinh đẹp nên loay hoay mãi mới sửa xong. Anh cũng chẳng biết có phải trời oi nồng, hay vì sao mà mồ hôi trên người anh vã ra như tắm.

Ảnh minh hoạ.

Về nhà, chị Mai cứ vấn vương mãi hình ảnh chàng trai tật nguyền giàu nghị lực ấy. Thi thoảng chị lại sang thăm anh, nhờ anh vẽ cho cái này cái nọ để cho mình hoặc cho bạn bè. Gia đình biết chuyện ngăn cấm, dọa nếu chị không nghe thì sẽ cạo đầu, từ mặt. Anh Thành biết thế nên cũng lánh mặt chị, nhưng hơn ai hết, anh cũng buồn đau lắm. Không được tới bầu bạn cùng anh, chị héo hon rầu rĩ, người đời lại được dịp kháo nhau: “Cái Mai bị trúng bùa yêu rồi”. Chị càng thương anh hơn, vì chị mà anh bị đồn thổi ác ý. Bố mẹ Mai thuyết phục mãi không được, rồi rơi vào thế “trời không chịu đất thì đất chịu trời”, thương con gái đang thời xuân sắc bỗng héo hon, họ đánh tiếng cho anh Thành cưới hỏi.

Đám cưới diễn ra chóng vánh, nhiều người cười thầm: “Anh Thành tẩm ngẩm tầm ngầm mà giết chết voi”. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ thêm nhiều thách thức. Lời tiếng thị phi nhiều khiến khách hàng thưa thớt, trong nhà không còn hạt gạo ăn chị lại cầu cứu dòng sông Mã. Sáng sớm đi mò cua bắt ốc thi thoảng vớt được vạt rêu đá xanh nõn nà để nuôi gia đình qua những ngày lay lắt. Mãi tới khi thấy vợ chồng anh chị sống với nhau vẫn thuận hòa, hạnh phúc thì khách hàng của anh mới dần quay trở lại.

Anh chị hân hoan trong niềm hạnh phúc khi chị có mang đứa con đầu lòng. Thương vợ và sợ con bị bệnh như mình, anh cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập, không để vợ phải đi sớm về khuya trên những nương ruộng xa nữa. Rồi ngày anh chị mong muốn cũng tới, cô công chúa nhỏ kháu khỉnh cất tiếng khóc trong căn nhà nhỏ. Nhìn vợ ẵm con, đôi mắt anh rưng rưng rồi vỡ òa hạnh phúc: “Tôi muốn nói lời cảm ơn cô ấy thật nhiều, thật sâu sắc!”. Niềm hạnh phúc của anh được nhân lên gấp bội khi 2 năm sau quý tử của anh ra đời như một sản phẩm hoàn thiện của tạo hóa. Nhìn hai con ngày ngày quàng khăn đỏ, đeo ba lô đi học khiến anh không khỏi xúc động, chúng đã thay anh làm được những điều mà ấu thơ anh hằng khao khát. Chúng cho anh động lực để đứng vững giữa cuộc đời đang còn nhiều sóng gió.

Anh trầm ngâm: “Tôi nợ Mai nhiều lắm, nếu như không có cô ấy thì đời tôi cũng chỉ là những tháng ngày tồn tại trên thế gian này thôi. Nhưng thực sự, cô ấy đã cho tôi được sống, được làm người một cách đầy đủ và đúng nghĩa nhất”. Nghe thấy vậy, chị chỉ cười xòa: “Đôi khi tình yêu đơn giản lắm. Có duyên có phận thì ông trời chỉ đường cho vợ chồng tự tìm đến với nhau thôi”.

Xa mái nhà nhỏ nằm bình yên bên dòng sông Mã, tôi vui lây vì hạnh phúc của họ.