Bữa ăn học đường: Hào hứng với 5 món ăn và 10 loại thực phẩm

ANTD.VN - Trực tiếp tham quan một bữa ăn bán trú của gần 2.000 học sinh trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội), điều dễ nhận thấy nhất là phần lớn khay cơm và thức ăn của học sinh đều hết sạch sau 30 phút ăn trưa.

Bữa ăn học đường: Hào hứng với 5 món ăn và 10 loại thực phẩm ảnh 1Học sinh được đảm bảo cân bằng dinh dưỡng với đa dạng thực phẩm theo dự án bữa ăn học đường 

Xây dựng bếp ăn chuẩn và bữa ăn đủ dinh dưỡng

Có thể khẳng định, nếu áp dụng một bữa ăn với 10 loại thức phẩm không bao gồm gia vị cho gần 2.000 học sinh ăn trưa là điều không dễ thực hiện. Chỉ riêng khu vực bếp ăn của trường Tiểu học Chu Văn An đã phải có 11 nhân viên làm việc hết sức khẩn trương từ nhập thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia khẩu phần để đưa đến từng lớp học đúng 11h. Các trang thiết bị đều hiện đại và đáp ứng đúng tiêu chuẩn bếp ăn một chiều.

Anh Nguyễn Đăng Quỳnh, bếp trưởng bếp ăn bán trú trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trung bình một bữa ăn chuẩn dinh dưỡng phải có 10 loại thực phẩm và 5 món ăn trên thực đơn mỗi ngày, được tính toán kỹ về hàm lượng dinh dưỡng, khối lượng phù hợp. Điều này không hề đơn giản với các bếp bán trú trong trường tiểu học của Hà Nội. 

Em Nguyễn Ngọc Tú Quyên, học sinh lớp 4A5 vô cùng thích thú với thực đơn hiện tại của nhà trường. Quyên cho biết từ khi có thực đơn mới em và các bạn luôn ăn hết sạch phần của mình, nhiều hôm  “thòm thèm” còn phải xin thêm cơm từ bếp. Các món được học sinh ưa thích là cá sốt cà chua, trứng đúc thịt, thịt bò hầm. Các món rau và đậu đều được chế biến dễ ăn, bắt mắt.

Về trường phụ trách bếp từ những ngày đầu thành lập trường, anh Quỳnh là người hiểu tâm lý và sở thích ăn uống của các con. So với suất ăn truyền thống mà anh đã từng nấu, những bữa ăn áp dụng theo thực đơn mới của dự án  “Bữa ăn học đường” ngon và đặc biệt đa dạng, không trùng lắp trong các ngày.  “Khi nhà trường bắt đầu triển khai bữa ăn theo thực đơn của Dự án bữa ăn học đường chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì phần mềm tính toán đầy đủ khẩu phần ăn, món ăn theo từng ngày, vì thế công việc làm bếp trở nên đơn giản hơn. Nhưng cũng lo vì trước giờ mình quen làm theo kinh nghiệm bây giờ lại được số hóa, máy móc nên bước đầu anh em tìm hiểu cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên sau hơn một năm triển khai, đến nay mọi việc đã rất thuận lợi. Công việc dù vất vả nhưng rõ ràng học sinh được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng” - anh Quỳnh cho biết.

Trẻ có sự thay đổi rõ ràng về thể chất

Chia sẻ về đánh giá của nhà trường sau hơn một năm triển khai dự án bếp ăn học đường chuẩn dinh dưỡng, bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An cho biết, học sinh đang có những đánh giá khả quan về phát triển thể chất cả về chiều cao và cân nặng thông qua những số liệu kiểm tra sức khỏe đầu và cuối năm học. 

Chị Hoàng Thị Quỳnh Luyến đang có con học tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ:  “Bản thân tôi cảm thấy rất phấn khởi bởi bữa ăn ở trường của các con từ khi chuyển sang thực đơn mới ngon hơn, đảm bảo dinh dưỡng hơn. Từ năm lớp 2, lớp 3 bé có sự thay đổi rõ rệt về chiều cao và cân nặng. Về thói quen ăn uống, con ăn được nhiều loại hơn, đa dạng hơn có cá, có thịt”.

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, bà Bà Trương Thu Hà - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết: “Sau khi triển khai đồng loạt, áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng với 100% các trường trong quận, chúng tôi thấy rõ tính hiệu quả, nhất là thể chất và nhận thức dinh dưỡng của các con có nhiều thay đổi. Điều quan trọng nhất của chương trình này là cải thiện về lâu dài sức khỏe của học sinh qua bữa ăn đủ dinh dưỡng. Một điều quan trọng nữa là các em nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong thực phẩm, từ đó có ý thức thay đổi thói quen ăn uống chưa lành mạnh từ bữa ăn trưa tại trường đến các bữa ăn ở gia đình”.

“Để triển khai tốt chương trình này, trong năm đầu chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định như thay đổi nhận thức, thói quen của phụ huynh, học sinh hay kinh phí... Tôi cho rằng mấu chốt dẫn đến việc áp dụng thành công dự án Bữa ăn học đường là các trường cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh học sinh và tổ bếp về dự án; lập kế hoạch cụ thể áp dụng thực đơn dự án từ một bữa mỗi tuần đến 5 bữa một tuần. Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ nội dung áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” để giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh. Nhà trường cũng cần liên tục lắng nghe và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai và kiên trì áp dụng đúng lộ trình đặt ra” - bà Lê Thị Thêu khẳng định.