Bù đắp quyền lợi cho gần 200.000 giáo viên nghỉ hưu

ANTĐ - “Có những nhà giáo đã xấp xỉ 80 tuổi, sức khỏe yếu giờ nhận được trợ cấp thâm niên trên dưới 20 triệu đồng thì quả là niềm vui không nhỏ” - ông Nguyễn Ngọc Liên, Hội viên Hội cựu giáo chức huyện Kim Sơn, Ninh Bình chia sẻ trước thời điểm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chính thức có hiệu lực.

Phụ cấp thâm niên mới ban hành chỉ bù đắp phần nhỏ cống hiến của các nhà giáo

Niềm vui bất ngờ

Ngày 15-10, 190.000 nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn 1994 đến 31-5-2011 đã chính thức được hưởng phụ cấp thâm niên của hàng chục năm đứng lớp với nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. “Bản thân tôi về hưu từ tháng 6 năm 1993, tức là còn thiếu 6 tháng nữa thì mới thuộc diện được hưởng phụ cấp thâm niên mới được Chính phủ ban hành nhưng tôi cũng thấy vui chung với các đồng nghiệp” – ông Nguyễn Ngọc Liên cho biết. 

Theo GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Dù mức phụ cấp được hưởng không nhiều, nhưng các nhà giáo hưu trí xem đây là một sự động viên của Nhà nước” –  GS Phạm Minh Hạc cho biết. 

“Hội cựu giáo chức huyện Kim Sơn lần này có tới 35 người được hưởng phụ cấp thâm niên. Trong số đó, nhiều thầy cô có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không ít thầy cô sức khỏe rất yếu. Với mức trung bình 20 triệu đồng mỗi người thì có thể thấy đây là một khoản tiền khá quan trọng hỗ trợ đời sống cho không ít nhà giáo vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.” – ông Nguyễn Ngọc Liên chia sẻ.

Chia sẻ với gánh nặng ngân sách

Với Nghị định ban hành năm 2011 của Chính phủ thì những nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1-5-2011 không nằm trong đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. Điều này được đánh giá là không công bằng cho đối tượng nghỉ hưu là giáo viên. GS Phạm Minh Hạc cho biết, Hội cựu giáo chức    đã từng đặt vấn đề với Bộ  GD-ĐT, đưa ra các phương án giải quyết phụ cấp thâm niên cho khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 5-2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu như đề nghị mức phụ cấp 30% (tương đương 30 năm công tác) hay thực hiện chế độ trợ cấp như Nghị quyết 21, bình quân mỗi giáo viên nhận 45 triệu đồng, nếu ngân sách nhà nước khó khăn thì có thể chi trả trong 3 năm hoặc với mỗi năm công tác, giáo viên được nhận 1/3 tháng lương, bình quân mỗi người nhận 30 triệu đồng… 

Tuy nhiên, với tính toán có phần thiếu kỹ càng, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án trợ cấp một lần từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/người. Phương án này bị xem là sự xúc phạm đối với các nhà giáo nghỉ hưu dù Bộ GD-ĐT giải thích nếu thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên theo mức tương ứng như quy định với giáo viên đương chức thì kinh phí phải chi trả sẽ rất lớn (khoảng 1.600 tỉ đồng/năm), vượt quá khả năng ngân sách nhà nước.

Với kiến nghị này, Bộ GD-ĐT đã xem xét lại và đưa ra đề xuất vừa được Chính phủ phê duyệt là 10% lương hưu hiện hưởng nhân với số năm công tác. Ngày 15-10, tại buổi gặp gỡ với đại diện các thế hệ nhà giáo, Bộ trưởng  Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ, đây là nỗ lực của Bộ GD-ĐT, dù là chưa thể đảm bảo công bằng với công sức của các thầy cô giáo nhưng trước khó khăn chung của kinh tế trong nước thì hy vọng chính sách này của nhà nước sẽ nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của đội ngũ các cựu giáo chức. 

Như vậy, có thể tạm tính một nhà giáo sau 30 năm công tác có mức lương hưu khoảng 6 triệu đồng, nếu về hưu từ tháng 1-1994 đến tháng 5-2011 thì nay sẽ được nhận một lần 18 triệu đồng. Còn với các nhà giáo nghỉ hưu sau 31-5-2011 sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên hàng tháng.