Brexit lại khiến nước Anh rung chuyển

ANTD.VN - Hơn 2 năm sau cuộc trưng cầu dân ý, việc đi hay ở trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục là chủ đề gây chia rẽ sâu sắc nước Anh. 

Brexit lại khiến nước Anh rung chuyển ảnh 1Biểu tình tại Thủ đô London phản đối Brexit

Một cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 giờ với hơn 1 triệu người tham gia đã diễn ra tại khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội để phản đối việc Anh rời khỏi EU (Brexit), yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 và đòi Thủ tướng Theresa May từ chức. Số người tham gia cuộc tuần hành phản đối được cho là ngang bằng với cuộc biểu tình hồi năm 2003 yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại Iraq, vốn được cho là cuộc biểu tình lớn nhất thế kỷ ở Anh.

Đơn kiến nghị trên website của Quốc hội Anh kêu gọi đình chỉ thực thi Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon và hủy bỏ tiến trình Anh rời khỏi EU đã chạm mốc 4 triệu chữ ký. Có những lúc có tới gần 2.000 người ký đơn kiến nghị trong một phút, khiến trang web nhiều lần bị sập vì không chịu nổi lượng truy cập kỷ lục. Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định về cách một nước thành viên EU rời khỏi liên minh.

Một chút quay lại với quá khứ. Với kết quả 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016, việc Anh rời khỏi EU tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian. Để đáp ứng mốc quy định 29-3-2019 là thời hạn chót Anh phải rời EU, tháng 11 năm ngoái, EU đã chấp nhận Thỏa thuận rút lui và Tuyên bố chính trị về quan hệ EU - Anh trong tương lai mà London đưa ra. Hai bên cũng mất 17 tháng để đưa ra các điều khoản cho Brexit, bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân và Bắc Ireland.

Tuy nhiên, dự thảo thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đưa ra lại hai lần bị Quốc hội Anh bác bỏ. Đa phần nghị sĩ cho rằng dự thảo thỏa thuận sẽ khiến Anh chịu nhiều thua thiệt. Nhiều thành viên trong Đảng Bảo thủ của bà May cho rằng phải gây sức ép buộc EU nhượng bộ nhiều hơn trong thỏa thuận.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều người Anh hối tiếc vì từng ủng hộ Brexit và muốn hủy bỏ mọi thứ, bao gồm cả thỏa thuận Brexit mà bà May đưa ra trước Quốc hội. Những người này kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit. 

Bế tắc kéo dài khiến nước Anh có nguy cơ rời khỏi EU vào ngày 29-3 tới mà không đi kèm một thỏa thuận nào, tức chia tay một cách thẳng thừng không duy trì bất kỳ sợi dây liên kết nào để bảo vệ lợi ích của EU và Anh. Tổ chức tư vấn Oxford Economics ước tính, kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ khiến Anh chịu tổn thất khoảng 140 tỷ euro và nhiều khả năng sẽ có khoản vay mới lên tới 80 tỷ bảng/năm cho đến năm 2033. Tổn thất với 27 nước thành viên EU còn lại đến năm 2020 là 112 tỷ euro. Đây là kịch bản tồi tệ mà cả EU và Anh đều không muốn.

Để thoát khỏi nguy cơ này, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với kế hoạch trì hoãn việc Anh rời khỏi EU đến sau ngày 29-3. Theo như đề xuất của EU, tùy thuộc vào quyết định của Quốc hội Anh có thông qua thỏa thuận Brexit hay không, hạn chót có thể được hoãn đến 12-4 hoặc 22-5. Thủ tướng May cũng để ngỏ khả năng đưa thỏa thuận Brexit ra Quốc hội một lần nữa, đồng thời khẳng định sẽ không tiếp tục trì hoãn Brexit sau 30-6-2019.

Có điều uy tín hiện nay của bà May đang bị đặt dấu hỏi. Một số tờ báo địa phương như tờ Times đưa tin, nội bộ Đảng Bảo thủ đang bàn kế hoạch về thời điểm để Thủ tướng May từ chức. Trước những đồn đoán về số phận chính trị của Thủ tướng May, Văn phòng Thủ tướng Anh cũng gián tiếp đưa ra lời cảnh báo về khả năng tổng tuyển cử nếu như thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May một lần nữa thất bại tại Quốc hội.

Chính vì thế, tuần này với nghị trường Anh sẽ là “cuộc chiến” khốc liệt và chưa ai biết chính trường Anh sẽ đi về hướng nào với câu hỏi Brexit.