Brazil "mắc kẹt" với hệ thống lương hưu hào phóng

ANTD.VN - Hiếm có nơi nào trên thế giới, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi 55 và hưởng 70% mức lương cuối cùng trong suốt quãng đời còn lại, vậy mà Brazil đã duy trì cả chục năm nay. Tuy nhiên, chính hệ thống lương hưu hào phóng này lại trở thành một nguyên nhân khiến cho Brazil lâm vào khủng hoảng kinh tế và phát triển không bền vững.

Nghỉ hưu ở tuổi 55, người trung niên ở Brazil ung dung hưởng cuộc sống an nhàn

Năm 2016, quỹ lương hưu đã chiếm tới 1/3 chi ngân sách của Chính phủ Brazil, đóng góp vào thâm hụt ngân sách kỷ lục. Năm đó, khi tuyên thệ nhậm chức kế nhiệm Tổng thống Dilma Rousseff, ông Temer tuyên bố sẽ cải cách lương hưu. Vậy mà giờ đây, Tổng thống Michel Temer và Quốc hội đã chính thức hoãn đưa ra bất kỳ đạo luật cải cách lương hưu nào, cho đến sau cuộc bầu cử tháng 10-2018.

Người dân không ủng hộ cải cách lương hưu

Chính quyền của Tổng thống Temer đã cùng với Quốc hội xây dựng dự luật trợ cấp hưu trí cho lao động khu vực công và tư, trong đó có quy định tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 65 tuổi đối với nam giới và 62 tuổi đối với phụ nữ. Đề xuất này đã được quảng cáo trong chiến dịch truyền thông xã hội: “Mọi người vì cải cách an sinh xã hội để Brazil khỏi phá sản”. Tuy vậy, ông Temer đã phải ngừng thông qua dự luật nói trên, một phần để tránh thất bại nghiêm trọng trong kỳ bầu cử quốc hội tới. 

Với các cuộc bầu cử diễn ra vào mùa thu 2018, ít ứng cử viên Nghị sĩ Brazil nào can đảm nói với cử tri rằng họ sẽ phải kéo dài độ tuổi làm việc và nhận được tiền lương hưu ít hơn. Thông điệp đó lại trở nên đặc biệt khó khăn trong bối cảnh các vụ bê bối tham nhũng trong tầng lớp chính trị ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, dự luật này thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng vào thời điểm tháng 5, khi ông Temer dính vào vụ scandal tham nhũng và bị cáo buộc trong 2 vụ án hình sự.

Người Brazil đã xuống đường để bày tỏ sự tức giận về dự thảo luật, ngay cả trong cuộc diễu hành carnival ở Sao Paulo, người ta đã hô vang kết hợp với nhịp điệu samba dễ nhớ: “Các Nghị sĩ, hãy cẩn thận. Nếu bỏ phiếu cho cải cách của Tổng thống Temer, các ông sẽ không trở lại!”. Bà Elisabete Lopes Santos (57 tuổi) nói: “Mọi người đều đóng góp vào quỹ hưu trí, làm sao mà vỡ được? Chắc chắn số tiền này bị rút lõi”.

Nhiều lần đổi “chiến thuật”, Chính phủ vẫn bế tắc

Trung bình, nam giới ở Brazil nghỉ hưu ở tuổi 56 và phụ nữ ở tuổi 53. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho rằng, hệ thống này không bền vững, là bởi, người nghỉ hưu nhận được 70% số tiền lương họ lĩnh trước khi nghỉ suốt quãng đời còn lại của họ và số tiền sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với lương tối thiểu. Thậm chí, khi người nhận lương hưu qua đời, vợ/chồng người đó có thể được thừa hưởng thêm toàn bộ tiền cấp dưỡng của người đã khuất.

Chi tiêu cho quỹ lương hưu ở Brazil chiếm 8,2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2016 so với mức 4,6% vào năm 2014. Dân số Brazil tương đối trẻ so với trung bình toàn cầu, và đến năm 2060, nếu các quy định không có gì thay đổi, mức chi này có thể lên đến 17% tổng số GDP của nước này. Hạ viện Brazil đã liên tục thay đổi các mức đề xuất cải cách với hy vọng có thêm nhiều người ủng hộ nhưng số liệu mới nhất cho thấy, Chính phủ vẫn còn thiếu ít nhất 40 phiếu so với mức cần đạt 2/3 số phiếu để dự luật được thông qua.

Sau khi hoãn bỏ phiếu dự luật cải cách lương hưu vào tháng 12-2017, Chính phủ Brazil đã đổi “chiến thuật”, khẳng định cải cách là để bảo vệ người nghèo, những người phải trả tiền cho những người làm ở lĩnh vực công. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc phân phối lương hưu ở Brazil không bình đẳng ở chỗ, 35% tổng số quỹ được trả cho 20% số người giàu nhất, 20% người nghèo nhất chỉ nhận được 4% trợ cấp hưu trí. 

Nhưng có lẽ ông Temer không phải là nhân vật lý tưởng để quảng bá thông điệp đó. Bản thân Tổng thống đã nhận lương hưu hơn 20 năm, sau khi nghỉ hưu ở tuổi 55 với cương vị một công tố viên, điều này đã làm tăng đáng kể thu nhập của ông sau khi bước vào chính trường.