Bớt lo đối phó thanh tra dự giờ

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu, thanh tra giáo dục cần đổi mới theo hướng không can thiệp quá sâu vào chuyên môn thuộc vấn đề tự chủ của cơ sở. Theo cách làm này, giáo viên sẽ bớt nỗi lo đối phó với thanh tra với việc ghi chép sổ sách theo mẫu, làm đẹp hồ sơ chuyên môn…

Bớt lo đối phó thanh tra dự giờ ảnh 1

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu chấm dứt thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo (Ảnh minh họa)

Toát mồ hôi với thanh tra dự giờ

Với mỗi giáo viên dù mới vào nghề hay đã nhiều năm kinh nghiệm, những buổi thanh tra về trường đều khiến họ quay cuồng với những thủ thuật đối phó. Thay vì đầu tư làm thế nào để dạy hay hơn, hiệu quả hơn thì giáo viên chỉ lo điền cho đủ giáo án, ghi chép hàng chồng sổ sách, “tút tát” hồ sơ, sổ điểm cho đẹp, cho khớp. Đáng nói là những buổi dự giờ đột xuất của thanh tra khiến giáo viên luống cuống trước khả năng sẽ bị “bới móc” khuyết điểm thay vì động viên, khuyến khích cách làm mới, làm hay. 

Thực tế này cũng được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: “Ở nhiều nơi thanh tra can thiệp quá sâu và cứng nhắc vào việc quản lý chuyên môn của các hiệu trưởng, công việc giảng dạy của giáo viên. Việc này gây khó khăn cho các nhà trường, giảm động cơ thực hiện đổi mới, sáng tạo, việc chủ động tự học, tự rèn luyện của giáo viên”. 

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, trước đây hoạt động thanh tra ở cơ sở thường chọn giáo viên giỏi văn, toán đi thanh tra là không hiểu, không đúng luật. Thanh tra không chỉ nắm vững bộ môn mà cần những người có nghiệp vụ thanh tra toàn diện trong lĩnh vực giáo dục.

“Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh đổi mới quản lý, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra phải phát huy quyền tự chủ, trách nhiệm phân cấp cơ quan quản lý, phân định quản lý Nhà nước và quản lý chuyên môn. Thanh tra không nên can thiệp quá sâu vào chuyên môn thuộc vấn đề tự chủ của cơ sở với nguyên tắc không làm trái quy định Nhà nước” - ông Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh. 

Thanh tra theo trọng tâm

Cùng với việc giảm áp lực thanh tra chuyên môn, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, Bộ chủ trương thanh tra theo trọng tâm, trọng điểm có khả năng tác động vào hệ thống thay vì thanh tra tràn lan, quay vòng… “Hoạt động thanh tra theo tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT là quan sát, góp ý, hướng dẫn để các cơ sở thực hiện đúng quy định trong việc quản lý, thực hiện, xử lý vi phạm tại các cơ sở giáo dục” - ông Nguyễn Huy Bằng giải thích.

Được biết, trong 3 quý đầu năm 2015, Thanh tra giáo dục đã triển khai 1.030 cuộc thanh tra chuyên ngành tập trung vào các vấn đề bức xúc trong xã hội như các khoản thu đầu năm học, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, các khoản thu, chi đầu năm học, việc thực hiện quy định về mặc đồng phục… Kết quả cho thấy không ít sai sót được nhiều sở GD-ĐT thừa nhận trong quá trình thanh tra, kiểm tra trong năm vừa qua.

Phó Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, kết quả thanh tra tại gần 20 cơ sở giáo dục ở địa phương này cho thấy một số hiện tượng được phụ huynh phản ảnh là đúng. Trong đó có việc thu các khoản ngoài quy định, không thực hiện quy định tách các khoản thu thành nhiều đợt để bớt gánh nặng cho phụ huynh. Đặc biệt, việc thực hiện xã hội hóa không đúng quy trình, còn có hiện tượng ép buộc phụ huynh trong việc đóng góp các khoản thu phục vụ sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất của nhà trường... 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, công tác thanh tra ngành giáo dục năm 2016 vẫn theo hướng tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, các vấn đề dễ gây bức xúc trong dư luận như dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí, sử dụng sổ sách, tuyển sinh đầu cấp... Đặc biệt, sẽ chú trọng triển khai hoạt động xử lý sau thanh tra, bảo đảm hiệu quả thanh tra trong thực tế, xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai trước công luận các vi phạm.