BOT cầu Thái Hà "hẩm hiu", vì sao giá cổ phiếu vẫn tăng phi mã?

ANTD.VN - Một doanh nghiệp gần như chưa có nguồn thu, nợ phải trả chiếm hơn 73% tổng tài sản, thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên nhưng cổ phiếu BOT của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà đã gây choáng cho nhà đầu tư khi tăng hơn 5 lần chỉ trong khoảng 1 tháng rưỡi giao dịch. Điều gì đang ẩn sau mức tăng phi mã này?

"Động lực" tăng giá ở đâu?

Cổ phiếu BOT (UPCoM) của Công ty CP BOT cầu Thái Hà chốt phiên giao dịch ngày hôm nay, 19/3 ở mức giá 52.200 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh chỉ... 200 cổ phiếu. Đây cũng là mức thanh khoản phổ biến của mã cổ phiếu này kể từ thời điểm lên sàn UPCoM, với khối lượng khớp lệnh cao nhất chỉ đạt 700 cổ phiếu/phiên.

Trái ngược với thanh khoản èo uột thì cổ phiếu BOT lại có mức tăng giá “phi mã” khi đạt mức tăng mạnh nhất lên đến 40% trong phiên giao dịch đầu tiên.

Cụ thể, 40 triệu cổ phiếu BOT bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM  ngày 14/2/2019 với mức giá chào sàn chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, mã cổ phiếu này đã đạt mức tăng 40%, và trong 10 phiên liên tiếp sau đó đều tăng trên dưới 15%. Đến nay, sau tròn 1 tháng rưỡi, mã cổ phiếu này đã tăng tới 420%.

Đáng nói là cổ phiếu BOT tăng chóng mặt trong khi doanh nghiệp này đang gặp muôn vàn khó khăn và gần như chưa có doanh thu phát sinh.

Công ty BOT cầu Thái Hà được thành lập vào năm 2014 với vốn góp ban đầu của 3 cổ đông sáng lập là 245 tỷ đồng. Sau 2 lần nâng vốn điều lệ, đến hiện tại, Công ty có vốn điều lệ ở mức 400 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh chính của BOT Cầu Thái Hà là quản lý, vận hành xây dựng các công trình đường bộ đường sắt. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp này triển khai duy nhất dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt Sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Công ty đạt gần 1.487 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm 92.86% (hơn 1.300 tỷ đồng). Trong khi đó, nợ phải trả mà Công ty đang gánh là 1.087 tỷ đồng, bằng 73% tổng tài sản, trong đó nợ dài hạn chiếm phần lớn.

Ngày 28/12/2018, Bộ Giao thông Vận tải có ban hành văn bản chấp thuận cho việc thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT cầu Thái Hà từ 10/1/2019, do vậy Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2019.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy nửa ngày, đến 11h ngày 11/1/2019, tại điểm đầu dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lập tức bị “cấm đường” do tuyến đường này chưa được nghiệm thu, bàn giao, trạm BOT cầu Thái Hà do vậy đã phải tạm dừng thu phí.

Việc thu phí hoàn vốn tại dự án BOT Cầu Thái Hà khá lận đận trong thời gian qua

Không chỉ vậy, trước đó, lãnh đạo BOT Cầu Thái Hà cũng từng than thở rằng 1 năm sau khi tiến hành thông xe kỹ thuật (tháng 11/2016), lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng).

Với lượng xe như vậy, nếu nhà đầu tư tổ chức thu phí đường bộ, thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (22 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm). Vì vậy, doanh nghiệp này đã phải xin lùi thời gian thu phí.

Về mục tiêu kế hoạch, BOT Cầu Thái Hà đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 là 88,2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2,2 tỷ đồng. Đến năm 2020, lợi doanh thu dự kiến cũng chỉ đạt 111 tỷ đồng, lợi nhuận 2,8 tỷ đồng.

Cẩn thận khi “chơi dao”

Câu hỏi đặt ra là tại sao một doanh nghiệp với các chỉ số tài chính không mấy sáng sủa, phương án tài chính cũng chưa rõ ràng nhưng lại có mức tăng giá cổ phiếu chóng mặt như vậy.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia chứng khoán cho biết, hiện nay, trên sàn chứng khoán, nhất là UPCoM và HNX, có rất nhiều mã cổ phiếu penny (cổ phiếu mệnh giá nhỏ) có mức tăng thần tốc, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan.

“Hiện có nhiều mã “lạ hoắc” mà bản thân chúng tôi cũng không biết hết được. Với những mã cổ phiếu này, nhà đầu tư nếu vào tiền thì phải chấp nhận mức độ rủi ro rất cao, vì không biết nó sẽ “rơi” lúc nào. Nhất là với những cổ phiếu thanh khoản thấp, nếu cá nhân nào đó muốn “làm giá” thì rất dễ dàng” – vị chuyên gia khuyến cáo.

Được biết, hiện BOT Cầu Thái Hà có 4 cổ đông lớn nắm giữ đến 95,17% vốn điều lệ công ty. Trong đó ông Ngô Tiến Cương – Chủ tịch HĐQT trên danh nghĩa không sở hữu cá nhân bất kỳ cổ phần BOT nào nhưng lại gián tiếp sở hữu gần 23,8 triệu cổ phần thông qua Công ty TNHH Tiến Đại Phát, tương đương 59,48%.

Những người liên quan ông Cương cũng sở hữu hơn 2,3 triệu cổ phần BOT.

Cổ đông lớn tiếp theo là Công ty CP CNC Capital Việt Nam, Công ty CP PIV và 1 cá nhân là bà Nguyễn Thị Hương Lan.