Bóp méo đô thị

ANTĐ - Mặc dù mới chỉ là dự thảo Quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc cảnh quan, đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến nhưng đã có rất nhiều chuyên gia, giới chuyên môn cũng như dư luận bày tỏ lo ngại. Bởi trong nội dung dự thảo có một quy định cho phép các đô thị được xây nhà liền kề trên lô đất tối thiểu 25m2. Trong khi các thành phố lớn đang đau đầu trước tình trạng siêu mỏng, siêu méo, xây nhà trên những lô đất hình dáng kỳ dị, thì quy định này như “bật đèn xanh” cho nhà siêu mỏng tồn tại.

Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng, đối với mặt tiền các con đường, đặc biệt là những đường phố lớn, không thể cho tồn tại những căn nhà mini xấu xí làm méo mó bộ mặt thành phố. Những căn nhà 25m2 sẽ không thể chồng tầng lên cao, trong khi những tuyến đường mới sau khi giải phóng mặt bằng thường quy hoạch những căn nhà trên 3 tầng. Vì vậy cần nghiên cứu, lấy ý kiến của các đô thị sao cho phù hợp với từng địa phương. Nếu cho phép phân lô xây dựng những căn nhà 25m2 sẽ làm rắc rối, phức tạp cho cơ quan quản lý trong việc cấp phép xây dựng, quản lý hạ tầng. Hiện tại ở Hà Nội, TP.HCM còn khá nhiều căn nhà méo mó, “dị dạng”, nay hợp thức hóa cho xây nhà 25m2 chắc chắn sẽ mọc lên nhiều nhà tương tự, càng khiến cho bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác, phản cảm.

Theo quy định hiện hành tại các đô thị lớn, diện tích thửa đất được cấp sổ đỏ không nhỏ hơn 30m2. Dự thảo quy chuẩn của Bộ Xây dựng cho phép xây tối thiếu 25m2, tức là “đá” lại quy định hiện hành. Cùng thời điểm này, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Về nguyên tắc, các vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép, sai quy định đều phải phạt tiền, cưỡng chế phá dỡ. Song thực tế, nhiều trường hợp không thể tháo dỡ phần vi phạm vì nhiều lý do và nếu xử lý cứng nhắc sẽ gây lãng phí. Theo đó, được phép nộp tiền thay cho cưỡng chế phá dỡ với những nhà ở xây dựng sai phép. Cụ thể, Thông tư quy định được thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% trị giá phần xây dựng sai phép, không phép đối với nhà ở riêng lẻ và bằng 50% trị giá phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế, sai quy hoạch đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật. 

Một chuyên gia nhấn mạnh, nếu phạt tiền như vậy thì vô hình trung đã hợp lý hóa sai phạm đối với một bộ phận người dân, doanh nghiệp cứ có tiền là xong, tạo ra những tác động tiêu cực. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch-Phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh, quy định cho phép “nộp phạt để tồn tại” với công trình sai phép là một bức tranh lùi về quản lý. Cùng với việc cho phép xây dựng nhà 25m2, “phạt cho tồn tại” càng bóp méo bộ mặt đô thị.