"Bóng ma" doping trước thềm SEA Games 29

ANTD.VN - Doping giống như một “bóng ma” ám ảnh thể thao thế giới. Việt Nam không phải một ngoại lệ, khi các VĐV của chúng ta đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á vào tháng 8 tới thì việc ngăn chặn nguy cơ dính doping không thể bỏ qua.

"Bóng ma" doping trước thềm SEA Games 29 ảnh 1Ngân Thương từng vô tình dính doping 

Doping là một khái niệm không mới nhưng lại rất mơ hồ ở Việt Nam. Nếu như trên thế giới, các chất cấm được liệt kê dài dằng dặc trong các danh mục từ thuốc, thực phẩm bổ sung cho đến cả… đồ ăn, thì ở Việt Nam, danh mục này lại chưa quy định rõ ràng, đầy đủ.

Ngay cả một VĐV cự phách như Maria Sharapova còn gặp tai nạn khi vô tình sử dụng chất meldonium (một loại doping mới bị cấm) thì khó có thể trách những người không hiểu biết về nó. Tay vợt Lý Hoàng Nam sau khi biết scandal của Sharapova cũng thừa nhận anh không biết meldonium là chất gì, có trong thuốc gì và tác dụng ra sao. Thế nên mới dẫn đến chuyện nhiều VĐV Việt Nam khi ốm ho cảm cúm, cũng chẳng dám tự tiện mua thuốc uống vì biết đâu lại dính doping.

VĐV Việt Nam chủ động dùng doping là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng việc dùng doping một cách thụ động do hiểu biết còn hạn chế lại là một vấn đề hoàn toàn khác, dù cái giá phải trả đều ngang nhau.

Hẳn chúng ta còn nhớ VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn đã đánh mất mình như thế nào sau khi giành HCB ở hạng cân 58kg tại Olympic 2008. Hoàng Anh Tuấn bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine, một chất nằm trong danh mục bị cấm của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) tại giải Vô địch thế giới 2010.

Hay tay đua xe đạp tuyển thủ quốc gia Nguyễn Trường Tài bị phát hiện sử dụng chất kích thích tại Tour de Singkarak 2013 diễn ra ở Indonesia. Nhưng may mắn sau đó đã mỉm cười với Trường Tài khi anh bất ngờ được Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI) xử trắng án do không trùng khớp hai mẫu thử. Trường hợp của “búp bê” Ngân Thương ở môn TDDC hẳn người hâm mộ thể thao vẫn chưa quên.

Tại Olympic Bắc Kinh (Trung Quốc năm 2008), Ngân Thương được đại diện cho khu vực Đông Nam Á thi đấu do đã đoạt 5 HCV ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp. Tuy nhiên, ở nội dung toàn năng nữ, Ngân Thương đã thi đấu không thành công. Nhưng mọi thứ còn tồi tệ hơn khi cô trở thành VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên bị trục xuất khỏi một kỳ Olympic vì doping. Kết quả kiểm tra của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho thấy mẫu thử của cô dương tính với furosemide, một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân. Ngân Thương bị cấm thi đấu 1 năm do đây là lỗi vô tình khi cô sử dụng thuốc giảm béo.

Mới đây, để chuẩn bị cho SEA Games 29, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam đã chuẩn bị các phương án kiểm tra ngẫu nhiên các VĐV. Tổng số 40 mẫu thử sẽ được lấy để kiểm tra trong các ngày 6 và 7-7. Trong 40 mẫu thử được tiến hành tại các Trung tâm HLTTQG, có 25 mẫu dành cho VĐV đang chuẩn bị SEA Games 29.

Con số này quá khiêm tốn so với tổng 470 VĐV Việt Nam dự SEA Games, nhưng thể thao Việt Nam lại không thể làm hơn do chi phí rất đắt đỏ (300 USD/mẫu). Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng từng cho biết, kinh phí là một trong những vấn đề lớn, khiến cho công tác xét nghiệm doping của chúng ta chưa thể phát triển. Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam chưa có một đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng riêng cho các đội tuyển. Điều này khiến cho các VĐV vẫn luôn mơ hồ về khái niệm doping.

Họ không biết làm thế nào để tránh những chất cấm trong quá trình sinh hoạt, từ việc dùng thuốc cho đến các sản phẩm thực phẩm chức năng hay dinh dưỡng. Và như thế, hơn ai hết, các HLV cần bảo vệ VĐV hay các VĐV phải tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những thực phẩm, những thứ dinh dưỡng “lạ”, nếu không muốn một ngày nào đó vô tình bị gắn tên vào “bảng đen” mang tên doping.