Bóng ma chiến tranh lạnh

ANTĐ - Những đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga liên tục được Mỹ và châu Âu đưa ra và tiếp theo là các biện pháp trả đũa của Matxcơva cho thấy cuộc đối đầu Nga – phương Tây sẽ còn nóng lên.

Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry (phải) thông báo Mỹ
sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga

Trong tuyên bố mới nhất, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã áp dụng gói biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các ngành quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga. Theo đó, 3 ngân hàng của Nga gồm Bank of Moscow; Russian Agricultural Bank và VTB Bank OAO sẽ không được phép nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ. EU cũng hạn chế các tổ chức tài chính nhà nước Nga tiếp cận thị trường tài chính EU, hạn chế truy cập của Nga đối với những công nghệ nhạy cảm, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. 

Đây là hành động trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga dưới cái cớ Nga không có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Nhà Trắng tỏ ra “quan ngại sâu sắc” trước các hành động của Nga mà họ cho rằng đang “tiếp tục làm tổn hại đến độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”, đồng thời đe doạ sẵn sàng tăng cường các đòn trừng phạt nhằm vào Matxcơva.

Đúng là tình hình miền Đông Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đúng là nước Nga có ảnh hưởng với cộng đồng người Nga ở Ukraine, thế nhưng, những đòn trừng phạt mà Mỹ và phương Tây liên tục nhằm vào nước Nga đâu phải xuất phát từ thiện chí đi tìm sự ổn định cho Ukraine. Thực tế cho thấy trong khi hướng mọi sự chỉ trích vào Nga thì     Washington lại chẳng làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công của quân chính phủ Ukraine vào miền Đông cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân thường vô tội.

Chính vì thế mà Matxcơva đã tuyên bố thẳng “các biện pháp trừng phạt gia tăng lên quy mô ngành mà Mỹ đang áp dụng với nền kinh tế Nga chỉ nhằm mục đích trả đũa chính sách độc lập và không chịu lệ thuộc vào Washington của Matxcơva”.  Xem ra, bóng dáng của “chiến tranh lạnh” đang hiện rõ dần trong quan hệ Đông – Tây, mà hệ quả của nó tất nhiên cả hai bên đều phải gánh chịu. 

Dù bị áp đặt nhưng nước Nga cũng có không ít con bài trả đũa. Cơ quan An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nga Rosselkhoznadzor tuyên bố có thể cấm nhập khẩu thịt gia cầm từ Mỹ và một số loại trái cây từ EU do có chứa chất độc hại. Rosselkhoznadzor cũng sẽ điều tra các nhà cung cấp cho chuỗi cửa hàng ăn nhanh McDonald’s (Mỹ) do nghi ngờ sản phẩm có sử dụng chất kháng sinh.

Các chuyên gia kinh tế dự báo hệ quả của các đòn trừng phạt này là Nga sẽ chịu thiệt hại khoảng 23 tỷ euro (tương đương 1,5% GDP) trong năm nay và 75 tỷ euro (4,8% GDP) vào năm tới. Trong khi đó, EU cũng có thể bị thiệt hại tương ứng khoảng 40 tỷ euro (0,3% GDP) và 50 tỷ euro (0,4% GDP). Đây là điều không dễ dàng cho đối thủ được coi là “chiếu trên” như EU. 

Thậm chí một số nhà kinh tế châu Âu còn lo ngại rằng Mỹ sẽ là “ngư ông đắc lợi” trong vụ này vì tổng trao đổi thương mại Nga - EU lớn gấp 10 lần kim ngạch ngoại thương Mỹ - Nga. Đó là chưa kể tới con bài khí đốt vô cùng lợi hại mà Matxcơva còn chưa dùng tới. Xem ra, nước Nga không phải là đối thủ dễ bắt nạt.