Bông hoa hướng dương đã tươi trở lại

ANTĐ - Tôi gặp lại Hoàng Thị Diệu Thuần tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong một lần em đi kiểm tra định kỳ sau ghép tủy. Hình ảnh của em hiện tại vẫn không thay đổi nhiều so với mấy tháng trước, thân hình gầy gò,  tóc rụng, mặt phù và ria mép mọc đen do tác dụng phụ của thuốc. Nhưng tôi cảm nhận từ ánh mắt, từ những chia sẻ của em một niềm tin, niềm hạnh phúc, một nghị lực sống vốn chưa bao giờ tắt, thì giờ đây lại bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết. Bông hoa hướng dương ấy đang tươi xanh trở lại mỗi ngày.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh cô gái ấy cách đây 4 tháng, trong buổi ra mắt cuốn sách của cô - một tập tản văn - thơ - nhật ký tại nhà sách Đông Tây. Một cô gái khiến người đối diện thấy cái gì ở em cũng mong manh, cô mặc chiếc áo màu xanh, thân hình chưa được 40kg với nước da xanh xao, giọng nói nhỏ nhẹ đến mức người ta cảm thấy nó có thể bị biến mất vào hư không một cách dễ dàng. Sự mong manh của cô gái làm những người xung quanh mới đầu e dè, chỉ sợ mỗi câu hỏi, mỗi lời nói sẽ chạm vào nỗi đau quá lớn của em, sẽ làm em bật khóc, sẽ gục ngã. Nhưng không, Thuần đã chủ động mở lòng, Thuần chia sẻ về nỗi đau của mình một cách nhẹ nhàng nhất có thể, chỉ là giá như căn bệnh quái ác ấy không chọn em. Thuần ôm đàn và hát, không ai nghĩ em đã 7 năm trời phải chống chọi, chiến đấu với căn bệnh ung thư máu - quãng thời gian mà không ít người bị bệnh như em đã phải rời xa cuộc sống này.

Thuần bảo quãng thời gian bị bệnh không bao giờ phai được một chi tiết trong tâm trí em. Từ ngày đầu tiên phát hiện bệnh khi vừa bước chân vào giảng đường đại học, một cô gái với mái tóc cắt ngắn trẻ trung, năng động, một cô gái thích đàn và hát, thích làm thơ, thích viết nhật ký… tất cả như đã sụp đổ. Cũng từ đây, thời gian em đến trường còn ít hơn thời gian nằm viện, những đợt xét nghiệm, truyền hóa chất khiến sức lực em gần như cạn kiệt. Rồi chứng kiến những người bạn quen biết trong bệnh viện của mình phải từ giã cõi đời, nhất là sự ra đi của một người bạn, người anh, mà cũng có thể là người em đã từng có những rung động đầu đời khi gặp nhau trong bệnh viện, dù không thôi hy vọng nhưng em cũng biết sức chống chọi của mình có hạn. Những ký ức ấy, tất cả đã làm xúc động hàng triệu người đọc khi cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” của em được xuất bản, nó trở thành động lực sống, cuốn sách “gối đầu giường” của không ít bạn trẻ, đặc biệt là những người cùng hoàn cảnh với em.

Khoảng 3 tháng trước, khi biết tin Hoàng Thị Diệu Thuần sẽ được ghép tủy, tôi cũng thấp thỏm lo âu, không biết số phận có mỉm cười với cô gái có nghị lực phi thường ấy hay không khi mà kỹ thuật ghép tủy trong nước cũng mới được áp dụng, và đặc biệt ca bệnh của Thuần đã bị nước ngoài “trả về”. Thế nhưng 2 tháng sau, những người dõi theo em được thở phào nhẹ nhõm khi Viện huyết học và Truyền máu Trung ương chính thức công bố ca ghép tủy của Thuần đã thành công ngoài sức mong đợi. Diệu Thuần đã được ra khỏi phòng cách ly và dù còn rất yếu nhưng em đã xuất hiện trước mọi người, như một minh chứng rõ ràng nhất rằng đôi khi nghị lực sống phi thường, sự không ngừng hy vọng có thể giúp con người vượt qua những điều không tưởng.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho biết, từ tháng 9-2005 khi bắt đầu vào đại học cũng là thời điểm Diệu Thuần phát hiện bệnh ung thư máu và được điều trị liên tục tại Viện từ thời điểm đó đến nay. Trải qua 7 năm điều trị không có nhiều tiến triển, đặc biệt trong 2 năm điều trị bằng thuốc nhắm đích (Gleevec) vẫn chỉ cho kết quả dương tính với tế bào ung thư, những tưởng không còn nhiều hi vọng cho Diệu Thuần. 

Năm 2012, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Diệu Thuần, dù trước đó em đã không được một bệnh viện nước ngoài nhận điều trị do tiến triển bệnh không mấy khả quan và chỉ số giữa người cho là anh trai Thuần và người nhận chỉ đạt 5/6 allen, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho yêu cầu cấy ghép (chỉ số 6/6 allen là chỉ số tương đồng hoàn toàn, an toàn cho việc cấy ghép). 

Dù lường trước nhiều khó khăn do chỉ số hòa hợp giữa tủy người cho - người nhận không được như mong muốn, nhưng ngày 15-9-2012, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương vẫn tiến hành ca ghép tủy cho bệnh nhân Diệu Thuần. Sau ca ghép 15 ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy có xuất hiện mọc các mảnh ghép mới. Theo dõi tiếp sau 30 ngày ghép, các xét nghiệm tủy đều cho kết quả khả quan. Các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần như bình thường, đặc biệt xét nghiệm về tổn thương di truyền như cấy nhiễm sắc thể tủy PH1 âm tính; sinh học phân tử PCR gen bệnh âm tính; thể khảm (chuyển đổi tế bào gốc của người hiến và bệnh nhân - thường gọi là Chimerism) đạt 100%. 

Sự thành công của ca ghép tủy không chỉ khiến Thuần và gia đình mừng vui khôn xiết mà những bác sĩ điều trị cho em cũng rơi nước mắt. Thuần tâm sự, trước khi ghép tủy, dù mình là bệnh nhân nhưng cũng… thương các bác sĩ điều trị vô cùng. Không chỉ là một ca khó do thời gian bị bệnh lâu, điều trị bằng thuốc nhiều mà không tiến triển, chỉ số tương đồng thấp, bệnh nhân lại còn bị viêm gan C, mà họ còn chịu một áp lực lớn từ dư luận bởi trường hợp của Thuần được báo chí rất quan tâm.

3 tháng sau ca ghép tủy, tình trạng bệnh của Diệu Thuần tiến triển khá tốt. Thuần đã có thể tự mình một tuần 2 lần đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để tái khám, lấy thuốc. Em cho biết hiện vẫn đang ở trọ với hai người anh em họ, đã có thể ăn uống những thứ bình thường và phụ giúp nấu nướng, bố mẹ không còn phải túc trực thường xuyên như trước nữa. Đó là điều mà 7 năm qua, dù không ngừng hy vọng nhưng em cũng không dám nghĩ nó có thể xảy ra, không nghĩ mình đủ sức chiến đấu để tồn tại trong khi bao nhiêu người bạn khác cùng điều trị đã phải ra đi, chứ đừng nghĩ có thể hồi phục và có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều lúc nghĩ mình đang mơ, em phải tự cấu vào tay mình để biết niềm hạnh phúc ấy là thật, cuộc sống đang dần trở lại với em.

Giờ đây, những ước mơ đã thực sự trở lại với em. Thuần chia sẻ, trước trong thời gian điều trị em vẫn đi học, nhưng chủ yếu để vơi bớt nỗi buồn, nỗi đau, chứ cũng không dám nghĩ mình sẽ học để ra đời làm việc. Sau này khi ghép tủy xong, cũng có một vài doanh nghiệp biết hoàn cảnh đã đến động viên và mời em về làm việc cho có thêm thu nhập và khuây khỏa. Tuy nhiên do vẫn phải đi lại thăm khám tại bệnh viện thường xuyên, sức khỏe chưa thực sự hồi phục nên em chưa dám nhận lời. Diệu Thuần cho biết, trong lúc chưa đi làm, em sẽ cố gắng học văn bằng hai một môn ngoại ngữ để sau này khi có sức khỏe sẽ có “vốn” kiến thức để đi làm. Em cũng ước mơ làm nhà báo, dù biết những áp lực công việc của nghề này sẽ là một thử thách không dễ với sức khỏe của mình.