Bỗng gặp quà quê trên phố

ANTĐ - Khoảng 30 năm trước, vỉa hè Hà Nội rất sẵn những thứ quà quê theo đúng lối mùa nào thức nấy. Thế rồi, những thứ hoa trái đó vắng bóng dần. Để rồi, một ngày nọ, chúng bất ngờ xuất hiện trở lại khiến câu chuyện cũ trong ký ức  bỗng hồi sinh…
Bỗng gặp quà quê trên phố ảnh 1

 Hột mề gà được bày bán lác đác ở Hà Nội

Ngày nhỏ, tôi vẫn thường được mẹ cho đi tàu điện lên chợ Đồng Xuân và thích nhất đoạn nối giữa chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua. Góc chợ đó chuyên bán chim, hoa, cá, lá và trẻ con thì thích cá chọi với cá vàng. Cũng chính góc chợ Bắc Qua ấy, nhiều thứ quà quê qua cầu Long Biên hay xuôi sông Hồng đến Bến Nứa rồi len lỏi vào từng con phố.

Bỗng gặp quà quê trên phố ảnh 2

Quả thanh trà được bày bán ở Hà Nội

Một lần, trên chuyến tàu điện được một chị bán rau từ Bưởi lên cho tôi một quả thanh trà hình thù như quả nhót, lột vỏ ăn thì chua chua ngọt ngọt mùi giống xoài. Rồi thi thoảng, mỗi lần đi chợ về, mẹ tôi vẫn mua cho những thứ quà mà ăn một lần nhớ mãi mà ngóng đến mùa sau. Quả thanh trà ngày trước được trồng nhiều, giống cây thân gỗ họ xoài này ra quả vào mùa hè, quả chỉ nhỏ như quả nhót. Quả khi xanh thì dùng để nấu canh chua, khi chín thì trẻ con hái ăn chơi bởi cái vị ngọt chua thanh thanh rất cuốn hút.

Thế rồi, thứ quả này vắng bóng bao năm nay, nhiều người bây giờ còn hỏi “Quả thanh trà là quả gì?”.Những năm xa xưa của thập kỷ 80 thế kỷ trước, cứ đến hè là trẻ con sáng sớm ra vỉa hè tập thể dục do các anh chị lớn hơn phụ trách. Rồi khi bố mẹ đi làm là dắt nhau ra rạp Kim Đồng trên phố Hàng Bài xem phim. Ở đây có rất nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt như đang xem mà trời mưa thì nước chảy từ trên trần xuống. Phim đang chiếu thì mất điện, chờ trong bóng tối cả tiếng nóng nực rồi ra cửa nhận vé mai đi xem bù.

Phim thì có khi chiếu đoạn cuối xong mới chiếu đoạn đầu. Lũ trẻ chẳng nghĩ tới chuyện mất điện hay rạp dột, mà chỉ nhớ mấy hàng quà trước cổng rạp. Thích ăn nhất quả chay nhưng muốn ăn quả chín phải trả thêm một hào. Thứ quả chay từ cây thân gỗ, các bà già vẫn lấy rễ có vỏ màu đỏ để làm vỏ ăn trầu cau. Quả chay không xa lạ với trẻ con nông thôn, xanh thì thái ra phơi khô kho cá ăn dần, chay chín, ruột đỏ lự, ăn ngọt và đặc biệt là hạt rang lên thì lạc cũng thua xa. Quả chay giờ cũng dần vắng bóng...

Cũng những mùa hè xa xưa ấy, một lần, mẹ đi chợ về mua cho hai anh em một rổ “hột mề gà”. Thứ quả trông giống hệt mề con gà, luộc lên, bóc ra thì bên trong vàng ruộm như khoai lang, ăn ngon hơn cả hạt dẻ. Thứ quà đó trở thành phần thưởng khi con biết nghe lời, ngoan ngoãn mới được mẹ mua cho. Rồi, hột mề gà cũng vắng bóng dần đến nỗi trong mỗi chuyến lang thang, tôi vẫn tìm hỏi và tả nó là thứ củ dưới nước.

Cho đến tận cuối hè 2015, tôi mới lại tình cờ thấy quả mề gà được bán trên phố. Hóa ra đó là hạt của một loại cây thân gỗ được trồng nhiều ở miền núi. Người Hà Nội gọi là hột mề gà nhưng người địa phương gọi là quả sang. Và thú vị hơn khi có hẳn một khách sạn đầu đường Thanh Niên cũng trồng làm cây đại cảnh và lấy bóng mát. Loài cây này thân thẳng, cao, tán rộng, lá chùm xòe đến 7 lá, quả cũng xòe như cánh quạt và khi chín màu đỏ lự, nở ra những hột mề gà thẫm bên trong. 

Cuộc sống ồn ào khiến cho những thứ quà quê dần bị  vắng bóng trên phố. Nhưng  chợt một ngày đẹp trời trên phố, gánh hàng rong lướt qua với những thứ quà xa xưa, cả tuổi thơ của lũ trẻ Hà Nội ùa về. Đỗ xe xuống hỏi mua cả nửa thúng, chị bán hàng nhìn tôi bằng con mắt dò hỏi đầy nghi hoặc. Còn tôi chỉ tủm tỉm cười và nhớ ngày xưa…