Bỗng dưng phiếu giảm giá... thành giấy lộn

ANTĐ - Trước thông tin Công ty TNHH Nhóm Mua bất ngờ thông báo ngừng hoạt động vào ngày 11-12, nhiều khách hàng đang sở hữu voucher (phiếu giảm giá) của Nhóm Mua rơi vào tâm trạng hoang mang.

Trang web Nhóm Mua vẫn hoạt động song số điện thoại hotline không thể liên lạc

Ai học được chữ ngờ

Trước đó, ngày 13-11, Nhóm Mua đã ra thông báo ngừng hoạt động với lý do để bảo đảm tính an toàn, bảo mật của hệ thống dữ liệu và đến ngày 11-12, Nhóm Mua lại một lần nữa ra thông báo tương tự  mà không hề báo trước trên website bán hàng. Vậy là chỉ trong vòng một tháng, Nhóm Mua đã tạm ngưng hoạt động tới 2 lần, gây bức xúc cho khách hàng. 

Sáng 12-12, có mặt tại trụ sở Nhóm Mua tại số 50, Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội chúng tôi gặp rất nhiều khách hàng mang voucher đến đây để tìm hiểu nguyên nhân và đòi Nhóm Mua phải trả lại số tiền họ đã bỏ ra mua voucher. Tuy nhiên, khách hàng đều thất vọng khi văn phòng Nhóm Mua đóng cửa im ỉm. Chị Đ.T.H, ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng than thở: “Cuối tuần trước, tôi đã vào trang web Nhóm Mua để mua 2 voucher giảm giá tại nhà hàng lẩu nướng Nhật Bản với giá 199.000 đồng/voucher. Ngày 11-12, tôi cùng chồng đến nhà hàng này để ăn tối thì được nhân viên ở đây cho biết họ không chấp nhận voucher này. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ có sự hiểu lầm nên đã lập tức gọi điện đến số máy của Nhóm  Mua nhưng không liên lạc được. Tuy nhiên, khi tìm đến đây thì công ty đóng cửa…”.

Cũng theo chị H, ngay tối hôm đó chị đã phải cùng chồng ngậm ngùi ra về. Theo giải thích của nhà hàng lẩu nướng Nhật Bản thì chị H phải liên hệ với Nhóm Mua để được thanh toán số tiền trên voucher. Nhà hàng không cung cấp dịch vụ mà chỉ áp dụng mức giá ưu đãi bằng mức giá trên voucher nếu khách hàng vẫn có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại đây. 

Cùng có chung tâm trạng như chị H, chị V.T.T, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa lo lắng: “Tôi đã thanh toán phiếu mua hàng cách đây 2 tuần, theo lịch hẹn, hôm nay tôi đến công ty để lấy sản phẩm, vậy mà Nhóm Mua lại đóng cửa nên tôi không biết sẽ phải lấy hàng ở đâu?”. Chỉ trong 15 phút, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục khách hàng đến trụ sở Nhóm Mua phải ra về với thái độ vô cùng bức xúc. Đa phần khách hàng đều cho biết 2 ngày nay, họ liên tục liên lạc đến số điện thoại trong voucher để kiểm tra thông tin sản phẩm nhưng đều không có tín hiệu kết nối. 

Từng nhiều lần thực hiện giao dịch với Nhóm Mua, anh N.H, một nhân viên văn phòng ở quận Ba Đình cho biết, anh đã mua hàng của Nhóm Mua vài tháng trước. Tuy nhiên, lần này, số tiền anh bỏ ra để mua voucher là nhiều nhất, gần 2 triệu đồng. Sau khi biết thông tin Công ty Nhóm Mua tạm ngừng hoạt động, anh H chưa biết phải xử lý thế nào và ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm đối với những voucher mà anh đang sở hữu. “Tôi đã đặt mua voucher để đi một khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang của công ty Nhóm Mua cách đây hơn 1 tháng. Chỉ còn gần 1 tuần nữa, vợ chồng tôi sẽ đi du lịch như dự kiến. Nhưng mới đây, khi điện thoại đến khu resort để đặt phòng, tôi được họ thông báo không thể thực hiện được với lý do, công ty này chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ phía Nhóm Mua”, anh H than phiền.

Nhà cung cấp dịch vụ từ chối

Theo một nhân viên của một nhà cung cấp dịch vụ ăn uống - đối tác của Nhóm Mua thì cho đến thời điểm hiện tại do không thể liên lạc được với lãnh đạo Công ty Nhóm Mua nên họ đã ngừng cung cấp dịch vụ cho những khách hàng đang sở hữu voucher của Nhóm Mua. Thông thường, những hợp đồng mà phía Nhóm Mua ký với công ty này chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Sau mỗi hợp đồng như vậy, Nhóm Mua sẽ thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ. Do đến thời điểm này, vẫn còn một số hợp đồng chưa thanh toán nên công ty này không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Thông báo tạm ngưng hoạt động không rõ lý do và không rõ ngày hoạt động trở lại của Nhóm Mua khiến nhiều khách thiệt thòi. Theo một số khách hàng thì chiều 11-12, nhiều người khi tìm tới địa chỉ của Nhóm Mua chi nhánh Hà Nội, đọc xong thông báo đã vứt lại voucher và ra về. Sự việc công ty Nhóm Mua đóng cửa lần thứ 2 khiến nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ mua hàng qua mạng một lần nữa đặt câu hỏi nếu chẳng may công ty cung cấp phiếu mua hàng phá sản, ai sẽ đứng ra trả lại tiền cho họ. Bởi, những gì khách hàng đang sở hữu chỉ là một tờ voucher ghi địa chỉ công ty cung cấp dịch vụ mua hàng, công ty đối tác, không có một dòng thông tin nào về việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trong trường hợp họ gặp rủi ro. Và trong thời gian tới, nếu các cơ quan chức năng không đưa ra các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động thương mại điện tử thì có lẽ những sự cố tương tự như Nhóm Mua sẽ không chỉ dừng lại ở đó.