Bỗng dưng phải chuyển đổi tài khoản ngân hàng

ANTD.VN - Việc tài khoản của các hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… phải chuyển sang cá nhân hoặc bị xóa bỏ sẽ gây xáo trộn không nhỏ.

Thông tư số 32/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định các tổ chức không có tư cách pháp nhân không thuộc đối tượng được mở tài khoản thanh toán. Điều này có nghĩa, các tổ chức không có tư cách pháp nhân như: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư… sẽ không được mở tài khoản thanh toán. 

Bỗng dưng phải chuyển đổi tài khoản ngân hàng ảnh 1Thông tư 32 sẽ gây nhiều xáo trộn với các tổ chức không có tư cách pháp nhân

Không chuyển đổi, sẽ bị khóa tài khoản

Theo quy định tại Thông tư này, một số ngân hàng đã phát đi thông báo yêu cầu các tổ chức không có tư cách pháp nhân chuyển đổi tài khoản sang tên cá nhân người đại diện hoặc sẽ đóng tài khoản từ tháng 3-2018. 

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ra thông báo đến khách hàng yêu cầu các khách hàng là hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT) để chuyển đổi sang hình thức TKTT của cá nhân hoặc TKTT chung hoặc đóng TKTT. “Thời điểm hoàn tất việc chuyển đổi là trước ngày 1-3-2018. Sau thời điểm 1-3-2018, MB sẽ thực hiện đóng tài khoản” - MB cho biết.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho biết, sau ngày 1-3-2018, Eximbank sẽ thực hiện đóng các tài khoản thanh toán của khách hàng là các tổ chức không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định của NHNN...

Về vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng, quy định tại Thông tư 32 là nhằm phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ thể của quan hệ dân sự chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. 

“Như vậy, có thể nói việc hạn chế chủ thể tham gia giao dịch mở, sử dụng tài khoản thanh toán chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và quy định về đối tượng mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại Thông tư 32 là hoàn toàn phù hợp với quy định về chủ thể của quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự 2015. Quy định này là cần thiết, hạn chế rủi ro cho các bên, bảo đảm các giao dịch mở, sử dụng tài khoản không bị vô hiệu do vi phạm quy định về chủ thể theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015” - bà Hoàng Tuyết Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết.

Sẽ gây xáo trộn lớn

Theo các chuyên gia, yêu cầu chuyển tên tài khoản các tổ chức sang tên của một cá nhân sẽ có thể gây nên sự ảnh hưởng, xáo trộn không đáng có. Chẳng hạn các văn phòng luật sư có thể thay đổi người đại diện thường xuyên và bản thân cá nhân được thuê đại diện cho văn phòng cũng không thể đứng tên tài khoản ngân hàng của văn phòng được.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico, về lý thuyết, việc quy định các tổ chức không có tư cách pháp nhân không phải là chủ thể tham gia giao dịch tài khoản và vay vốn ngân hàng là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, điều này mới chỉ đúng một nửa, tuy phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng lại trái ngược, vô hiệu hóa nhiều luật khác.

Cụ thể, theo luật sư Trương Thanh Đức, hệ thống pháp luật không chỉ có Bộ luật Dân sự quy định về chủ thể và giao dịch dân sự. Có nhiều chủ thể (thực thể pháp lý) không phải là pháp nhân, nhưng cũng không đơn thuần là một cá nhân, mà là một tổ chức, gồm tập hợp một hoặc một số cá nhân. Chẳng hạn tổ hợp tác (Luật Thương mại năm 1997, Luật Kế toán năm 2015); nhóm trẻ, lớp mẫu giáo (Luật Giáo dục năm 2005); văn phòng luật sư (Luật Luật sư); hộ gia đình (Luật Đất đai năm 2013); doanh nghiệp tư nhân (Luật Doanh nghiệp năm 2014); hộ kinh doanh (Luật Doanh nghiệp năm 2014)...

Ngoài ra, theo vị luật sư, cùng được coi bản chất là cá nhân, nhưng rất nhiều quy định của pháp luật chỉ cho phép doanh nghiệp tư nhân, chứ cá nhân không được đầu tư kinh doanh. Hay quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lại quy định các khoản chi từ 20 triệu đồng trở lên phải giao dịch thông qua ngân hàng. Vì vậy, nếu ngân hàng không cho doanh nghiệp tư nhân giao dịch tài khoản thì gần như đồng nghĩa với việc phải xoá bỏ các doanh nghiệp tư nhân và nhiều thực thể pháp lý khác.

Vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, khi giao dịch với pháp nhân thì đã chấp nhận nhiều tên gọi rất khác nhau,  khi giao dịch với cá nhân cũng cần chấp nhận tương tự. “Chưa kể ngay chính Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn bắt buộc ngân hàng phải cho vay tín chấp đối với hộ gia đình nghèo, chứ không phải là đối với các cá nhân thành viên của hộ gia đình” - luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo các chuyên gia, cần phải giữ nguyên tên gọi các thực thể pháp lý theo quy định của pháp luật trong giao dịch, nhưng xử lý bản chất pháp lý với chúng như với cá nhân, chứ không phải như đương nhiên là các chủ thể dân sự như trước kia.