Bỗng dưng… mất hệ thống chống sét

ANTĐ - Thời gian gần đây, người dân đang sinh sống tại chung cư Licogi 13, thuộc Công ty cổ phần Licogi 13, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân lo lắng trước thực trạng mất trộm tài sản và những bức xúc liên quan đến đời sống dân sinh.

Bất đồng quan điểm

Đường dây dẫn hệ thống chống sét đã được Ban quản lý tòa nhà cho chôn ngầm trong tường

Ông Phạm Văn Hựu, Tổ trưởng tổ dân phố số 2, cụm dân cư Nam Thăng Long 1 cho biết: “Mặc dù, các hộ dân dọn đến ở đây từ cuối năm 2007, nhưng mãi đến cuối 2009 chủ đầu tư mới thành lập tổ dân phố. Chung cư cao 15 tầng gồm 2 đơn nguyên với gần 200 căn hộ, nhưng không hề có Ban quản trị. Giữa tháng 7 vừa qua, một số đối tượng lấy trộm trang thiết bị trong toà nhà, đặc biệt là hai đường dây chống sét từ nóc toà nhà A và B đến phần tiếp đất, máy bơm nước chống úng… Sau khi phát hiện sự việc, người dân đã gửi đơn yêu cầu Ban quản lý toà nhà cho khắc phục, thay mới ngay lập tức để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân. Bên cạnh đó, cả hai toà nhà với số lượng dân cư lên đến hàng trăm con người nhưng không hề có chỗ cho người dân sinh hoạt cộng đồng, không có phòng hội họp.

Cũng theo phản ánh của người dân sống tại khu vực, thời gian gần đây, Ban quản lý toà nhà đã họp tổ dân phố đề nghị tăng phí dịch vụ từ 120.000 đồng/tháng lên 150.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Ban quản lý cũng yêu cầu các hộ dân phải đóng phí bảo trì PCCC và bảo trì toà nhà cho các hạng mục như: hệ thống thang máy, máy bơm nước, máy bơm chống úng, quạt tăng áp… nhưng không được người dân đồng tình. Lý do là nếu Ban quản lý toà nhà yêu cầu người dân nộp phí bảo trì thì phải có những thông tin rõ ràng về quyền lợi mà họ được hưởng, cũng như những hạng mục được bảo trì, cách thức bảo trì để người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Hữu T, một người dân sống tại khu nhà A cho biết: “Khi xây dựng toà nhà, mục đích của chủ đầu tư là kinh doanh, song bên cạnh đó, họ cũng phải quan tâm đến quyền và lợi ích của người dân. Hiện nay, chỗ gửi xe cho người dân sống tại khu chung cư đang ở trong tình trạng quá tải. Phần lớn, xe ô tô đã phải đưa ra bên ngoài, chiếm không gian sinh hoạt chung, nay Ban quản lý lại muốn làm mái tôn với mục đích để chống vật liệu xây dựng từ toà nhà bên cạnh đang xây dựng rơi xuống, gây hư hỏng tài sản của người dân, tôi cho rằng không hợp lý. Bởi lẽ toà nhà này đã được đơn vị thi công quây lưới xung quanh. Mặt khác, nếu cho làm mái tôn trên diện tích đường đi chung của khu dân cư, trong trường hợp xảy ra hoả hoạn, cháy nổ sẽ gây khó khăn cho việc cứu hộ, ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu chung cư…”.

Đã thay thế hệ thống chống sét mới

Hệ thống chống sét mới đã được thay thế

Được biết, ngày 15-7, Công ty Licogi13-real (thuộc Công ty CP Licogi 13) đã có công văn gửi CAP Nhân Chính, quận Thanh Xuân với nội dung “Ngày 14-7, cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm tra, phát hiện kẻ gian cắt trộm toàn bộ dây đồng của hệ thống chống sét và tiếp địa từ cột thu sét xuống tầng hầm của đơn nguyên A, và B thuộc chung cư Licogi 13. Số dây bị cắt dài khoảng 100m với tổng giá trị khoảng 46 triệu đồng. Ngoài ra, kẻ gian còn lấy trộm một máy bơm tăng áp cũ hỏng để tại buồng vận hành điện ở tầng G đơn nguyên B”. Theo ông Phan Đăng Tiến - Phó Tổng giám đốc Công ty Licogi13-real, sau khi xảy ra sự việc trên, Xí nghiệp kinh doanh và quản lý tòa nhà đã khẩn trương kiểm tra thiết kế, mời các đơn vị chào giá cho việc lắp đặt, sửa chữa lại hệ thống chống sét của tòa nhà và đến nay xí nghiệp này đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống chống sét mới. Còn về việc tay vịn trong thang máy thuộc đơn nguyên B bị mất vẫn chưa được khắc phục do thiết bị này được nhà cung cấp đặt hàng từ nước ngoài nên không thể có linh kiện thay thế ngay được.

Cũng theo ông Tiến, mặc dù theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, quỹ bảo trì được xây dựng từ tiền đóng góp của bên mua nhà. Đối với nhà chung cư bán sau ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (1-7-2006), bên mua phải chịu mức phí bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã nhiều lần gửi thông báo đến các hộ dân nhưng công ty mới thu được khoảng 80 triệu đồng/tổng số tiền mà các hộ dân phải nộp là 3,3 tỷ đồng.

Do vậy từ khi chung cư được đưa vào vận hành đến nay hầu hết mọi chi phí dùng để bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục trong các toà nhà, công ty phải tự bỏ tiền ra chi trả. Gần đây nhất, để đảm bảo an toàn về công tác phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà, công ty đã đầu tư 2 quạt tăng áp tại cầu thang thoát hiểm với tổng số tiền là 439 triệu đồng.

Trong khi đó, hiện mức phí dịch vụ đang được áp dụng đối với các hộ dân là khá thấp, (120.000 đồng/hộ/tháng) khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Về việc làm mái che cho điểm trông giữ ô tô ở vị trí sát công trình nhà 25 tầng đang thi công, ông Tiến giải thích: “Do khoảng cách từ công trình đang xây dựng đến bãi đỗ xe của người dân khá gần nên việc làm mái che là rất cần thiết để tránh việc vật liệu xây dựng rơi xuống gây mất an toàn về tính mạng và tài sản của người dân. Sau khi khu nhà 25 tầng hoàn thiện công ty sẽ dỡ bỏ phần mái tôn, trả lại nguyên trạng cho khu vực này. Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì, một số người dân lại không ủng hộ”…

Để nâng cao chất lượng sống của người dân tại các khu chung cư mới thì điều quan trọng nhất là giữa người dân và đơn vị quản lý phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, để đi đến sự thống nhất, đồng thuận trong việc giải quyết những sự cố phát sinh. Bên cạnh việc thực hiện quyền của mình thì các bên cũng cần nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ với nhau theo quy định của pháp luật để hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của các bên, tránh xảy ra những bức xúc không đáng có.