Bỗng dưng... hóa thành tro: Tai nạn bất ngờ

ANTĐ - Thời gian gần đây, tình trạng xe máy… bỗng dưng nổ xảy ra khá nhiều khiến không ít người hoang mang khi sử dụng phương tiện này. Và trong hầu hết các vụ việc xảy ra, thiệt hại luôn thuộc về người sử dụng bởi họ không biết kêu ai và nhờ cậy cơ quan nào đứng ra giải quyết…

Chiếc xe Honda Air Blade bất ngờ bốc cháy tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi

khiến người đi đường hoảng loạn


Hại của, hại cả người

Ngày 12-10, một chiếc Honda Airblade bất ngờ bốc cháy ngùn ngụt tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ngày 16-10, một chiếc Honda Wave bốc cháy dữ dội khi đang vận hành trên đường Phạm Hùng. Ít phút sau, trên tuyến đường này, chiếc mô tô Honda CB400 cũng thành đống sắt vụn. Tiếp đó, ngày 27-10, xe Honda Airblade của anh Nguyễn Quốc M đã bốc cháy khi đang chạy trên đường Quán Sứ đến Quang Trung.

Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, tại thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 20-8, khi đang lưu thông trên Quốc lộ 1A, chiếc xe Honda Airblade cũng... bỗng dưng bốc cháy. Đỉnh điểm của các vụ việc là ngày 1-12 vừa qua, tại Bắc Ninh, một chiếc xe Honda Dream vừa mới nhấn nút khởi động đã nổ tung khiến thai phụ Nguyễn Thị Q (SN 1982) tử vong, còn cháu Nguyễn Khánh V (4 tuổi, con gái chị Q) bị mất chân trái, phần chân còn lại giập nát, toàn thân bỏng nặng. Chiều 9-12, chiếc xe máy Honda Airblade BKS: 90H8 - 74… do chị Đào Nhật L điều khiển, khi đang đi trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội bỗng dưng bốc khói. Do phát hiện kịp thời nên hai người đi trên xe đã nhảy ra khỏi xe trước khi chiếc xe bùng cháy…

Trên đây chỉ là một số trong hàng chục vụ cháy xe xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua, khiến dư luận hoài nghi về chất lượng của những chiếc xe Honda này. Những vụ nổ xe máy đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và cộng đồng mạng. Nick hungchetaomay bày tỏ quan điểm: “Xe máy bây giờ rẻ, giá thành lại hạ nên chất lượng đương nhiên cũng… hạ theo. Chỉ khổ người tiêu dùng, vừa mất tiền mua xe lại mất cả mạng sống. Tuy nhiên, rất may những vụ cháy, nổ xe máy xảy ra liên tiếp thời gian gần đây lại không rơi vào giờ cao điểm, nếu không hậu quả sẽ khó mà lường trước được. Lúc đó, đường kẹt cứng, người điều khiển phương tiện “tiến thoái lưỡng nan”, đi không được, lùi cũng chẳng xong, chắc chỉ có đứng đó chờ thần lửa thiêu chết…”.

Chị Phan Thu Trà, ở đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Ra đường bây giờ không chỉ lo bị tai nạn giao thông mà còn phải phòng xe đột nhiên cháy nổ. Những ngày gần đây, lượng khách đến bảo dưỡng xe ở các cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy tăng vọt. Nhiều khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để được phục vụ cẩn thận, kỹ lưỡng hơn. Thôi thì “cẩn tắc vô áy náy”, dù mới mua xe cách đây 2 tháng, xe chạy êm nhưng tôi vẫn đi bảo dưỡng cho yên tâm, kẻo lỡ xảy ra chuyện gì, chỉ có mình và người thân là chịu thiệt. Đến lúc ấy mà “chờ được vạ” thì… mạng đã tiêu rồi”…

Có lỗi của người sử dụng

Theo kỹ sư Nguyễn Đình Sơn - chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Đội Cấn, quận Ba Đình, việc một chiếc xe máy tự phát nổ nếu không do tác động từ bên ngoài thì chỉ có thể do bình xăng. Trong quá trình chế tạo xe máy, các hệ thống dây dẫn điện được bó lại với nhau và thường chạy theo khung dưới ngay phía trên máy. Vòi dẫn xăng không được bó cùng nhưng đều nằm ở vị trí gần nhau. Trong quá trình sử dụng xe, có thể bó dây điện này đã bị hở dẫn đến chập điện đánh lửa gây cháy. Những dây điện này có vỏ bọc bên ngoài, khi đã bắt lửa thì bùng cháy rất nhanh. Bởi vậy, ngọn lửa dễ dàng lan sang vòi dẫn xăng. Tuy nhiên, nếu như bình xăng đầy, thì kể cả việc vòi xăng bắt lửa, vẫn không thể gây nổ được.

Cũng theo anh Sơn, nguyên nhân quan trọng khác khiến xe bị cháy nổ là do chập hệ thống điện hoặc do lỗi kỹ thuật của chiếc xe. Ngoài ra, việc người tiêu dùng can thiệp vào hệ thống điện của xe máy cũng có thể vô tình làm thay đổi tính năng an toàn của xe. Không ít người mua xe về, khi  thấy hệ thống đèn xi nhan bật lên không có tiếng tít tít báo hiệu, hay đèn không đủ độ sáng như ý muốn hoặc muốn có thêm hệ thống đèn xi nhan khác, muốn thay đổi bình ắc quy trên xe máy để có công suất chiếu sáng tốt hơn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ xe.

Bên cạnh đó, có người muốn thay đổi hệ thống điện nên đã gắn thêm hệ thống điện khác trên hệ thống cũ. Việc làm này rất dễ gây chập điện bởi nếu nối dây không cẩn thận sẽ làm hở, gây chập cháy dây điện. Một số người còn tự ý gắn thêm hệ thống phụ trợ vào xe, đây là nguyên nhân làm thay đổi an toàn hệ thống điện trên xe, bởi khi gắn thêm hệ thống này, cường độ, công suất dòng điện, hiệu điện thế tiêu chuẩn trên xe đã bị thay đổi, vi phạm tới tính năng chịu tải căn bản của hệ thống điện cơ bản, dẫn đến quá tải, gây ra sự cố chập, cháy bất cứ lúc nào. Mặt khác, bản thân vật gắn thêm có thể không đủ tiêu chuẩn an toàn, như đèn thì dây dẫn không đủ tiết diện, bình ắc quy kém chất lượng, làm tăng dòng đột ngột cũng là nguyên nhân khiến xe bị bốc cháy.

(Còn nữa)