Bỗng dưng… hóa thành tro: Cháy xe là chuyện bình thường!

ANTĐ - Xe máy là phương tiện được xác định có tiềm ẩn nguy cơ cao nên pháp luật quy định cơ quan đăng kiểm phải tiến hành kiểm tra độ an toàn, nếu đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi xe máy được bán cho người tiêu dùng thì chất lượng của nó dường như hoàn toàn bị phó mặc…

Dường như những chiếc xe tự dưng bốc  cháy đã ngày càng trở nên phổ biến trên đường phố


Xe có đảm bảo kỹ thật sau khi xuất xưởng?

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, thời gian tới đơn vị này sẽ rà soát lại dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước. Đối với dòng xe này, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ giám sát doanh nghiệp thực hiện đúng theo mẫu xe và thiết kế kỹ thuật, kiểu dáng đã đăng ký.

Theo đó, với một doanh nghiệp mới được cấp phép đăng ký sản xuất, lắp ráp xe máy, Cục chỉ giám sát dây chuyền sản xuất đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật 500 xe đầu tiên. Nếu sản xuất thêm dòng xe mới, họ phải gửi hồ sơ kỹ thuật, mẫu xe lắp ráp tới Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau khi thẩm định và thấy rằng mẫu xe đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an toàn, khí thải, cháy nổ… thì mới được cấp giấy phép. Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu chiếc xe máy mẫu này và sản xuất hàng loạt theo đúng các tiêu chí kỹ thuật đã được đăng ký thể hiện trên chiếc xe mẫu đã được cấp phép. Nếu kiểm tra thấy một chiếc xe nào đó làm khác chiếc xe mẫu thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và có thể bị thu hồi xe hàng loạt. 

 Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định rõ các sản phẩm hàng hóa phải có lời cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, trong đó có việc cháy nổ. Mặc dù, người tiêu dùng khi mua xe máy ở các đại lý đều được nhân viên giới thiệu chào mời, hướng dẫn rất chi tiết những dòng xe, đặc điểm kỹ thuật, nhưng họ không được nhân viên tư vấn về việc xử lý như thế nào đối với những trường hợp xe bị cháy nổ. Các nhân viên tư vấn chỉ chăm chăm chào mời khách hàng mua bảo hiểm, nhưng trách nhiệm của các hãng bảo hiểm đến đâu trong việc giải quyết vấn đề cháy nổ xe, họ lại không hướng dẫn cho khách hàng cụ thể.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, một doanh nghiệp kinh doanh xe máy trên địa bàn quận Long Biên cho biết: “Có một thực tế là việc đăng kiểm, giám sát quá trình sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước hiện được giám sát rất chặt chẽ nhưng sau khi xe máy được bán cho người tiêu dùng thì chất lượng, trang thiết bị kỹ thuật của nó lại khó có thể giám sát, quản lý được. Ở nước ta, việc mở các điểm bảo dưỡng, sửa xe rất dễ, không được giám sát, kiểm tra. Còn thợ sửa xe thì được đào tạo qua loa, thậm chí không qua trường lớp chuyên môn nào. Đôi khi, việc thợ đấu sai dây điện trên các xe máy mà họ sửa chữa, bảo hành cũng có thể gây chập, cháy…”. Được biết, trên thế giới, một số nước đã tiến hành kiểm định định kỳ đối với xe máy nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được điều này. Vì vậy, rất dễ dàng bắt gặp nhiều chiếc xe dù quá hạn sử dụng nhưng… vẫn được phép lưu thông trên đường.

Cần làm rõ nguyên nhân

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho rằng, để làm rõ trách nhiệm trường hợp một người đang điều khiển xe máy mà xe bỗng dưng cháy, nổ thì ngay khi xảy ra vụ việc người trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc đại diện người bị thiệt hại phải có đơn gửi cơ quan công an để xem xét trách nhiệm, điều tra vụ việc. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng trong từng vụ việc mà người bị thiệt hại có cách xử lý cho phù hợp. Trường hợp nguyên nhân cháy, nổ xe được xác định là lỗi kỹ thuật do nhà sản xuất thì CQĐT có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người phụ trách và ký hồ sơ, văn bản chịu trách nhiệm bảo đảm sản phẩm an toàn trước khi xuất xưởng. Bên cạnh đó, nhà sản xuất có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị hại về vật chất liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người bị hại. Nếu lỗi kỹ thuật được xác định do đại lý bán xe sau khi nhập hàng đã tự ý thay thế phụ tùng hoặc chế lại thiết bị kỹ thuật của xe thì CQĐT có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với trưởng đại lý bán xe, hoặc nhân viên kỹ thuật do thiếu trách nhiệm, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại căn cứ trên cơ sở hậu quả đã xảy ra theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, ngoài những yếu tố như gài bom, đặt kíp nổ... thì cháy, nổ trên ô tô, xe máy là những tai nạn hy hữu. Nổ xe thường rất hiếm khi xảy ra và thường do những vụ va chạm mạnh, tạo ma sát lớn bên ngoài bình xăng, gây tia lửa điện, dẫn tới nổ bình xăng. Xe máy là phương tiện được xác định có tiềm ẩn nguy hiểm cao. Vì vậy, pháp luật bắt buộc cơ quan đăng kiểm phải tiến hành kiểm tra độ an toàn, nếu đạt tiêu chuẩn thì mới được cấp phép cho lưu hành trên thị trường.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm (biết trước hoặc không biết trước) bán ra thị trường gây thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho người sử dụng. Nếu kết luận cuối cùng cho rằng các vụ cháy, nổ liên quan tới xe Honda vừa qua có liên quan tới lỗi kỹ thuật của xe thì chắc chắn họ phải có động thái tích cực, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, người dân có quyền làm đơn khiếu nại, khiếu kiện nhà máy sản xuất của hãng xe mà mình đang sử dụng nếu để xảy ra tình trạng xe bốc cháy gây nguy hiểm đến tính mạng cho khách hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và tính mạng cho mình, người tiêu dùng trước khi lựa chọn sản phẩm xe máy, hãy nên cân nhắc độ an toàn của chiếc xe đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra kỹ thuật định kỳ, bảo dưỡng xe.

Có thể thấy, cho đến thời điểm này xe máy vẫn là phương tiện lưu thông chủ yếu của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Việc hàng loạt chiếc xe máy bỗng dưng bốc cháy, nổ, gây chết người trong thời gian qua cho thấy chất lượng các loại xe máy đang lưu hành trên thị trường cần được cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa. Và đã đến lúc, Nhà nước nên có quy định kiểm định định kỳ, thời hạn lưu hành của các loại xe máy bao nhiêu là an toàn để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Ông Dương Đình Thắng, nguyên kỹ sư chế tạo máy - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đưa ra một số kinh nghiệm:

Hãy kiểm tra gầm xe và ống xả, nhặt bỏ các vật thể dễ cháy như giấy, rơm rạ khỏi gầm xe trước khi khởi hành. Thường xuyên lau sạch nắp bình xăng và xung quanh để làm sạch xăng khô đọng lại, giảm tối đa nguy cơ bắt lửa tới bình xăng gây cháy. Hãy bảo dưỡng chiếc xe thường xuyên để kiểm tra và khắc phục những lỗi dây điện. Những thiết bị điện ngoài khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ gây quá tải điện hoặc ảnh hưởng đến cơ cấu của hệ thống điện. Nếu cháy chập, cầu chì sẽ là bộ phận đảm bảo an toàn, nhưng nếu lắp đặt sai nguyên tắc (do nhà sản xuất hoặc do lắp thêm các thiết bị điện, do thợ sửa chữa bảo dưỡng tay nghề kém), dẫn tới đấu tắt, thậm chí tháo bỏ cầu chì, dễ dẫn tới cháy nổ. Trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa nếu kỹ thuật viên phát hiện thiết bị có vấn đề, nên xem xét thay thế phụ tùng ngay để tránh các rủi ro không đáng có. Nếu xảy ra cháy, nổ xe, hãy lập tức rời bỏ chiếc xe. Tính mạng của bạn quan trọng hơn tài sản.