Bóng đá Việt Nam: Dự Olympic 2020 còn gian nan hơn tới World Cup

ANTD.VN - Để cạnh tranh suất góp mặt tại các môn bóng đá nam, nữ Olympic Tokyo 2020 còn khó hơn đường đến với World Cup. Đây là thực tế không riêng bóng đá Việt Nam mà tất cả đại diện của châu Á đều phải đối mặt.

Sau thành công vang dội tại SEA Games 30, mục tiêu sắp tới của bóng đá Việt Nam là tham dự các giải vòng loại để kiếm suất dự Olympic Tokyo 2020, nơi mà cuộc cạnh tranh vé còn khốc liệt hơn cả giành quyền tham dự World Cup (châu Á có 4,5 suất bóng đá nam và 5 suất bóng đá nữ).

Đường tới Olympic 2020 là rất gian nan với cả bóng đá nam và nữ Việt Nam

Với bóng đá nam, U23 Việt Nam sẽ dự vòng chung kết U23 châu Á diễn ra tại Thái Lan đầu năm sau, trong tư cách nhà đương kim á quân.

Ba đội xếp đầu vòng chung kết sẽ giành quyền dự Olympic. Trường hợp chủ nhà Nhật Bản nằm trong nhóm 3 đội này thì suất còn lại dành cho đội hạng tư, nghĩa là nếu muốn tới với Tokyo vào tháng 7-2020, U23 Việt Nam ít nhất sẽ phải vào tới bán kết.

Ở bảng D, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ lần lượt gặp UAE, Jordan, CHDCND Triều Tiên với mục tiêu nhất hoặc nhì bảng, kế đó thắng thêm một trận tứ kết để chắc chắn có mặt trong nhóm 4 đội mạnh nhất.

Với bóng đá nữ, mức độ cạnh tranh còn khốc liệt hơn khi chỉ có 3 suất đại diện châu Á, bao gồm cả chủ nhà Nhật Bản.

Hiện, đội tuyển nữ Việt Nam đã đi tới vòng loại áp chót - vòng 8 đội, chia làm hai bảng đấu vòng tròn một lượt chọn 2 đội nhất, nhì vào vòng cuối tranh vé đi Olympic Tokyo. Thầy trò HLV Mai Đức Chung cùng bảng A với Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên và Myanmar.

Ngoại trừ Myanmar, hai đối thủ còn lại đều có đẳng cấp vượt trội. Vì vậy, cơ hội tranh một trong hai vị trí đầu bảng của tuyển nữ Việt Nam là rất mong manh.

Ngay cả khi đạt được, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ phải thắng tiếp một trong hai đội mạnh ở bảng còn lại để chắc chắn chiếm 1 trong 3 suất đại diện châu Á dự Olympic 2020.

Môn bóng đá nữ ở Olympic 2020 là giải đấu khắc nghiệt hơn cả World Cup nữ, khi chỉ chọn tổng cộng 12 đội (World Cup nữ có 24 đội), trong đó khu vực châu Á mặc định chỉ có 2 suất (do Thế vận hội 2020 tổ chức tại Nhật Bản nên châu Á mới có suất thứ ba) trong khi ở World Cup con số này là 5.

Có thể nói cơ hội tới với Olympic 2020 của bóng đá nữ Việt Nam gần như không có, còn với bóng đá nam, chắc chắn không hề dễ dàng dù chúng ta đang là đương kim á quân.