Bóng đá Trung Quốc: Bạo chi mà vẫn bị chê

ANTD.VN - “Bóng đá chuyên nghiệp tại Anh đã được hình thành từ 150 năm trước. Tôi tin phải mất rất lâu mới tạo ra được cái gọi là văn hóa bóng đá. Trong khi đó, các CLB Trung Quốc chỉ mới nổi gần đây” - phát biểu này của HLV Arsene Wenger của CLB Arsenal chưa quá lâu để người ta quên, để nhìn về nền bóng đá “làm mưa làm gió” trên thị trường chuyển nhượng gần đây. 

Làm một phép tính nhanh, cũng có khoảng 20 tên tuổi của làng bóng đá thế giới bị Trung Quốc “đánh cắp”. Ở đó có những chiến lược gia lẫy lừng như Marcello Lippi, Felipe Scolari, Andre Villas Boas, Manuel Pellegrini đến các ngôi sao đã từng tỏa sáng một thời: Hulk, Obafemi Martins, Demba Ba, Fabio Cannavaro, Papiss Cisse, Carlos Tevez, Jackson Martinez, Gervinho, Ramires, Alex Teixeira, Paulinho, Oscar... Thực tế, nếu không có những điều luật kìm hãm “cơn điên mua sắm” của LĐBĐ Trung Quốc thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Tuy nhiên, HLV Arsene Wenger của Arsenal thẳng thừng chê bai cách làm bóng đá của những CLB tại giải Chinese Super League (Trung Quốc).  Theo đó, ông thầy người Pháp cho rằng phải mất rất nhiều năm nữa Trung Quốc mới bắt kịp văn hóa bóng đá của châu Âu và cạnh tranh với những sân chơi hàng đầu thế giới.

Tại một cuộc họp báo, HLV Arsene Wenger chia sẻ: “Bạn không thể tạo ra một giải đấu hàng đầu thế giới với cách làm như vậy. Bóng đá chuyên nghiệp tại Anh đã được hình thành từ 150 năm trước. Và lúc này, chúng ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tôi tin phải mất rất lâu mới tạo ra được cái gọi là văn hóa bóng đá. Trong khi đó, các CLB Trung Quốc chỉ mới nổi gần đây”. 

HLV Arsene Wenger cũng giải thích tính chất đặc thù của bóng đá nằm ở tính kế thừa. Những đứa trẻ được lĩnh hội kiến thức bóng đá từ gia đình và truyền thống này duy trì qua từng thế hệ. Chính vì vậy, không có chuyện văn hóa bóng đá được hình thành chỉ sau vài năm ngắn ngủi. Chính kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản (từng dẫn dắt Nagoya Grampus Eight vào năm 1995 - tức chỉ 2 năm sau khi CLB được thành lập) trước khi sang Arsenal đã giúp HLV Arsene Wenger nhận ra thực tế đó.

“Trong năm thứ ba làm việc ở Nhật Bản, mọi thứ dần hình thành” - HLV Wenger nói - “Tất cả đều phải cần thời gian. Tôi không biết trong 10 năm tiếp theo bóng đá Trung Quốc có còn giữ được tốc độ phát triển như hiện nay không”. Chê cách làm bóng đá của nhiều CLB Trung Quốc khi bị cuốn vào dòng xoáy chuyển nhượng, tuy nhiên HLV Wenger vẫn bày tỏ quan ngại nhiều cầu thủ sẽ bị cám dỗ bởi sức mạnh đồng tiền nếu các CLB phương Đông huyền bí tiếp tục chơi tất tay như những gì đã diễn ra.

Các CLB Trung Quốc đang khuynh đảo thị trường chuyển nhượng. Họ dùng những mức lương rất hấp dẫn để lôi kéo các ngôi sao hàng đầu châu Âu và không ngừng “nhắm” tới các mục tiêu hàng đầu khác. HLV Wenger phân tích: “Đó là một mối nguy. Những lời chèo kéo từ Trung Quốc khiến các CLB châu Âu phải bừng tỉnh. Tuy nhiên, tôi tin một cầu thủ chuyên nghiệp sẽ luôn muốn thi đấu cùng những ngôi sao đẳng cấp ở các đội bóng hàng đầu thế giới”.

Ở một diễn biến khác, Carlos Tevez - cầu thủ mà Shanghai Shenhua đã mua được lòng trung thành, tình yêu của anh với Boca Junior bằng mức lương 615.000 bảng mỗi tuần, vượt xa thu nhập của hai siêu sao hàng đầu thế giới Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.

Ngày 27-5, đã có những đánh giá rất thẳng thắn về mặt bằng chung của nền bóng đá “làm mưa làm gió” trên thị trường chuyển nhượng này trong cuộc trả lời Đài truyền hình Movistar của Tây Ban Nha: “Tôi không nghĩ bóng đá Trung Quốc đủ sức cạnh tranh với những nền bóng đá châu Âu lớn. Ngay cả khi những cầu thủ giỏi có tới đây đi nữa, tôi nghĩ nền bóng đá Trung Quốc vẫn có điều gì đó rất khác lạ, đồng thời cách nhìn nhận của người hâm mộ cũng hoàn toàn khác. Tôi không nghĩ họ có thể vươn tới chuẩn mực như bóng đá châu Âu trong 50 năm tới”.

Thực tế, dù nhận được đãi ngộ hậu hĩnh, Tevez vẫn không ấn tượng với chất lượng bóng đá Trung Quốc và thẳng thắn bộc lộ quan điểm: “Có một sự khờ khạo và thiếu mạnh mẽ trong phong cách thi đấu của các cầu thủ”.

Thời gian gần đây, LĐBĐ Trung Quốc đã ban hành nhiều điều luật mới giúp bóng đá trẻ có cơ hội phát triển cùng việc cắt giảm ngoại binh thi đấu trên sân trong cùng một thời điểm để ngăn chặn cơn cuồng mua sắm cầu thủ của các đội bóng nhà giàu Trung Quốc. Các chuyên gia bóng đá tin rằng sự cải tổ đó sẽ mang đến tín hiệu tích cực cho bóng đá Trung Quốc hơn là cứ bạo chi mà vẫn bị chê.