Bóng đá trên phố

ANTĐ - Hà Nội vào cái thời bần bạch bao cấp, khi cuộc sống là kham khổ, là tần tảo, thì không hiểu sao thể thao Thủ đô lúc đấy lại cực kỳ thăng hoa. 

Bóng đá trên phố ảnh 1

Khán giả của một trận bóng “phủi” ở Hà Nội - Ảnh: THUẦN THƯ

Có lẽ là do hào khí từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã tiếp thêm sinh lực. Ví như bóng đá chẳng hạn, sân cỏ lớn trùng trùng điệp điệp kế tiếp nhau nhiều thế hệ danh thủ. Thôi thì không kể ra đây những tên tuổi lừng lẫy khét tiếng một thời, chỉ biết phần lớn bọn họ đều là con giai của phố. Và nơi dung dưỡng năng khiếu rồi nuôi nấng tài năng của họ thường là những vỉa hè. Một kiểu đặc sản bóng đá chỉ có ở những đô thị vất vả nghèo.

Kể cả cho tới hôm nay, người ta vẫn thích gọi nó theo khẩu ngữ bụi bặm rất Hà Nội: bóng đá “phủi”. Phố của thời trong trắng xa vắng ấy, ngập tràn những sân “phủi”. Hiển nhiên, lấy đâu ra nhiều những sân “hoành tráng” cỡ như Long Biên hay Quán Thánh mà vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn có thể chơi được mười một người. Còn đâu, đa phần chỉ là những mảnh đất không vuông vắn lắm, nhưng khá rộng rãi, đủ để cho năm hoặc bảy người đá gôn “tôm”.

Tuyệt vời làm sao, ngay ở những quận trung tâm Hà Nội, kể cả Hoàn Kiếm, cũng nhan nhản những mảnh sân trong veo như vậy. Có lẽ do hồi đó tuyệt chưa có cái thứ huênh hoang của thời nay, đám đại gia bất động sản. Ở công viên Thống Nhất phía mạn kề phố Trần Nhân Tông có hẳn mấy sân. Ngay phía sau Nhà hát Lớn cũng có một sân đáng nể. Sâu trong phố cổ là sân “khu Đoàn” của phố Nhà Chung (vườn hoa Hàng Trống bây giờ), nơi thường xuyên đám nghiệp dư may mắn được quần thảo với những tên tuổi huyền thoại của đội Thể Công hay Công an Hà Nội. Quá quen mặt là danh thủ tiền vệ Điệp “lùn”, nhà ông ở ngay Ngõ Huyện. 

Nói chung, mấy chỗ vừa kể là “khủng” rồi, còn đương nhiên, đã là bóng đá “vỉa hè” thì phải đá ở giữa lòng đường hay vỉa phố. Lòng đường những phố hơi khuất kiểu như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm… thì chỉ cần sau tám giờ tối dưới ngọn đèn đỏ đòng đọc, bọn trẻ đã ùa ra chơi bóng. Khung thành đa dạng đủ kiểu. Chồng dăm hòn gạch, xếp đôi vỏ lon bia và khó nhất là gầm ghế đá.

Trong một không gian chật hẹp như vậy, bóng đá đường phố bắt buộc phải có hai phẩm chất, đó là khéo và quái. Cứ thử đọc lại hồi ký của các danh thủ “phủi” vĩ đại cỡ như Garrincha (Brazil) hay Maradona (Argentina) thì tự nhiên thấy bóng đá ở phố đã luyện cho họ những kỹ năng độc đáo vô tiền khoáng hậu.

Bọn họ ăm ắp đầy tiểu xảo, cái mà chúng ta quen gọi là quái. Tuyệt chiêu “bàn tay của Chúa”, thì phi vỉa hè, chẳng có trường bóng đá tối tân nào lại có thể dạy nổi. Ở một trận đấu hay tới mức kinh điển, ngoài những đường chuyền lung linh chính xác, những pha ghi bàn tuyệt đẹp, hiển nhiên phải có những pha tiểu xảo phố phường mang tính “nhân văn” cao. Khán giả tức thở thưởng thức nó với sự hồi hộp, nghẹn ngào rồi vô thức sung sướng âm thầm văng tục.

Tiểu xảo chính là nghịch lý hạnh phúc của chót vót bóng đá. Nó tế nhị đến mức không bao giờ có mặt ở bất cứ sách giáo khoa chính thống nào, ở bất cứ bài giảng chính danh của huấn luyện viên nào. FIFA vốn dĩ đạo mạo đạo đức nên cấm tiệt. Nhưng tiểu xảo là không bao giờ mất, càng ngày nó càng hoàn hảo, càng tinh tế tinh vi.

Đơn giản, nó là con đẻ dứt ruột của bóng đá ở phố, và bóng đá đường phố là cái nôi thai nghén rồi đẻ ra những cầu thủ thị dân vĩ đại đáng xem nhất. Xem các đội bóng lớn vừa chơi nghệ thuật vừa thi triển xảo thuật là một khoái cảm khó tả của không ít những khán giả sành điệu. Nó là biểu hiệu của tài năng, của đẳng cấp. Những đội bóng nhiệt huyết của châu Á, châu Phi thường hay thảm bại ở những giải đấu quốc tế quan trọng đâu phải họ thiếu thể lực hay kỹ - chiến thuật.

Cái họ trong sáng còn thiếu là chất quái. Và để thành quái nhân thì môi trường tuyệt vời thượng thặng là được tung tăng phóng khoáng chơi bóng ở phố. Có điều cũng cần nói, tiểu xảo hoàn toàn không phải là một thứ chơi bẩn, một thứ kiểu chơi làm người sử dụng nó phải dằn vặt rồi công khai xin lỗi. Tiểu xảo là không bao giờ sám hối, bởi sự khoáng đạt của hồn phố không cho phép.

Hôm rồi, vô tình xem mấy trận bóng đá học sinh trung học do Báo An ninh Thủ đô tổ chức, bỗng thiết tha nhớ Hà Nội thời bao cấp quá chừng. Phố Hà Nội miên viễn sẽ còn, khi bọn con giai ở phố vẫn còn biết chơi bóng “phủi”.