Bóng đá: Cái bóng của đời

ANTD.VN - Một trong những phát minh của nhân loại có sức hấp dẫn nhất đối với con người có lẽ là bóng đá. Môn thể thao kỳ diệu, thứ trò chơi mà ở đó có thể sinh ra niềm vui hay nỗi buồn. Sự đau khổ hay phút thăng hoa. Sự sinh sôi hay hủy diệt. Vinh quang hay là nỗi tủi hờn. Thậm chí có lúc bóng đá đã trở thành nguyên nhân chính cho hòa bình hay chiến tranh giữa hai quốc gia.

Đè bẹp Ả rập Xê út với tỷ số 5-0 ở trận khai mạc World Cup, đội tuyển Nga được ví như gấu ngủ đông thức dậy, khát khao ngôi vô địch

Những quỹ đạo làm mê đắm lòng người

Bằng chứng rành rành còn ghi ở lịch sử thế giới rằng cuộc chiến 100 giờ  hay còn gọi là cuộc chiến ngắn ngày) giữa Salvador và Honduras nổ ra vì cuộc tranh chấp của đội tuyển bóng đá hai quốc gia này trong vòng loại lần thứ hai giải World Cup 1970 khu vực Bắc Mỹ. Năm 1967 cũng tại hai quốc gia này, các vị tướng đang trong cuộc chiến dữ dội đề nghị tạm thời ngừng bắn vào tháng 9 năm đó để người dân cùng quân đội hai nước được xem  Pele cùng câu lạc bộ Santos lừng danh thi đấu.

Còn ở Brazil nơi diễn ra giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 20,  nơi người dân nước này gọi đội tuyển bóng đá của họ là Pentacampeao (5 lần vô địch thế giới) thì sự thành công hay thất bại của bóng đá có ảnh hưởng đến sự bình yên hay bất ổn của xã hội, chính thể. Chẳng thế mà trong những ngày cách đây 4 năm, ở Rio de Janneiro người biểu tình và người chống biểu tình đều ngây người quên tất cả để cùng nhau theo dõi bóng đá.

Lắm khi ngẫm đến sự kỳ diệu, quyến rũ của bóng đá, tôi chợt nghĩ đến sự giống nhau giữa trái bóng tròn va đập giữa chân 22 chàng trai, cô gái để tạo ra những quỹ đạo làm mê đắm lòng người lại giống hệt hình tròn của Trái đất bay giữa không trung. Giống như giọt  nước mắt lăn tròn trên má người khi vui, buồn, khi thất vọng và hy vọng.

Bóng đá hấp dẫn nhân loại chính bởi loài người có thể nhìn thấy cái bóng thu nhỏ nhưng rất tập trung, đậm đặc, gay cấn của cuộc đời, xã hội và số phận mỗi con người ở môn thể thao vĩ đại này là vậy.

Với sự ra đời của Liên đoàn Bóng đá (FA) vào ngày 26-10-1863 và đưa bóng đá trở thành môn thể thao chính thức trong trường học ở thế kỷ 19,  nước Anh xứng đáng là chiếc nôi của bóng đá hiện đại. Nhưng tính toàn cầu của nó khi để hoàn chỉnh luật chơi bóng đá hôm nay các  nước trên thế giới đã lần lượt góp vào phát minh ra những thể lệ, thủ tục cho môn thể thao kỳ diệu này. Theo tư liệu đồng nghiệp của tôi thì nước Anh phát minh ra vé bán cho khán giả vào xem bóng đá. Italia phát minh ra trọng tài. Người Đức duy ý chí thì đề xuất luật phạt đền. Ấn Độ xứ sở của đạo Phật lại đưa ra luật nghỉ giữa hai hiệp đấu. Còn nước Pháp hào hoa lại đề nghị tặng hoa cho cầu thủ trước trận đấu….

Bóng đá không chỉ mãi đến thế kỷ 19 mới hé lộ mà từ thời xa xưa không ít quốc gia đã có trò chơi có thể xem là tiền thân của môn này. Đầu thế kỷ  II trước Công nguyên, thời Hán đã có trò chơi mang tên Tsuchu. Đồ chơi là quả bóng bằng da có đường kính từ 30-40mm nhét đầy lông vũ dùng để hai đội tranh nhau đưa vào một khung gỗ bằng tre. Tsuchu đã cấm chơi bằng tay.

Thời cổ đại Hy Lạp có Episkyros, ở La Mã có  Harpastum cũng có những nét chơi tương tự bóng đá. Việt Nam ta thời vua Hùng thứ ba một trong những biện pháp rèn luyện thể lực cho quân sĩ vào tiết xuân là tổ chức trò cướp quả phết giống hình quả bóng hiện nay.  “Con cháu đi đâu về đâu/ Triệu xuân cướp phết rủ nhau cùng về”. Mới hay, bóng đá môn thể thao đầy sức quyến rũ con người có tính nhân loại  từ xa xưa là vậy.

Đội tuyển Tây Ban Nha với chiến thuật Titi Taka huyền ảo một thời “làm mưa làm gió” trong các giải bóng đá quốc tế

Bất ngờ như trong bóng đá      

Bóng đá là cái bóng của xã hội. Mỗi một xã hội, một thể chế sẽ sản sinh ra một nền bóng đá mang đặc trưng, trình độ của xã hội, thể chế  ấy. Khi chứng kiến cầu thủ Asson - Ekoeto của đội bóng đá Cameroon lao vào ẩu đả với đồng đội Moukandyo trong trận đại bại 0-4 trước đội Croatia vào ngày 29-6, tôi lại nhớ đến danh thủ Roger Milla tại World Cup 1990.

Khi đó đã ở độ tuổi 39 nhưng bằng tố chất kỳ diệu của “hòn ngọc đen” cùng nhiệt huyết và danh dự của một quốc gia, Milla vẫn tung hoành trên sân cỏ với 5 bàn thắng  cùng động tác ăn mừng chiến thắng bằng vũ điệu châu Phi để đời. Chính vì lối đá dũng mãnh, rực lửa huyền ảo mang hơi nóng của lục địa đen như vậy nên đội tuyển bóng đá Cameroon xứng đáng với tên gọi  “Những chú sư tử châu Phi bất khuất”.

Trong các câu lạc bộ lừng danh châu Âu và thế giới tràn ngập những cầu thủ da đen  giàu có vì tài năng bóng đá của mình. Đồng tiền trong các bản hợp đồng đã trở thành những hàm thiếc khiến những chú sư tử bất khuất nơi sa mạc hoang dã, trở thành những con sư tử trong rạp xiếc, hiền lành hơn, kỹ thuật hơn và cũng  tính toán hơn.

Phải chăng vì thế nên World Cup lần thứ 20 vừa qua người xem toàn thế giới tiếc nuối không còn được chứng kiến những cơn lốc đen mạnh mẽ, vô tư trong các trận đấu của tuyển bóng đá Cameroon, Nigeria, Ghana… Mà thực sự phiền lòng trước những cuộc đình công không ra sân tập, thi đấu vì tiền thưởng, vì yêu sách chế độ của cầu thủ Nigeria, Cameroon. Chính phủ Ghana phải đưa cả một chuyên cơ chở 3 triệu USD để dẹp yên cầu thủ đội nhà. 

World Cup 20 còn chứng kiến hàng loạt đại gia của bóng đá châu Âu lần lượt thui thủi về nước vì không qua nổi vòng loại. Trong đó, tuyển bóng đá Anh là một trong những nỗi thất vọng lớn trước kỳ vọng của người Anh và người hâm mộ toàn thế giới. Người Anh tự hào và thế giới công nhận Giải bóng đá Anh là giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Sân thi đấu luôn đầy ắp người xem, sự hấp dẫn từ đầu chí cuối bởi chất lượng chuyên môn cao của cầu thủ ngôi sao thế giới tại các câu lạc bộ. Còn thành tích đội tuyển của một quốc gia sản sinh ra bóng đá hiện đại lại quá èo uột với duy nhất một lần vô địch thế giới vào năm 1966 khi World Cup tổ chức trên đất Anh…

Có lẽ không ở môn thể thao nào có sự bất ngờ như trong bóng đá. Sự bất ngờ này cũng thêm một lần làm cho bóng đá thêm sự cuốn hút và hấp dẫn. Sự bất ngờ đầu tiên ở World Cup lần thứ 20 là sự ra về ngay sau kết thúc vòng loại của hàng loạt đội bóng lớn. Với đội tuyển Anh là sự lệch tâm của việc làm bóng đá. Bồ Đào Nha là sự chuyển giao thế hệ. Với Tây Ban Nha lại là sự thể hiện tiêu biểu cho triết lý  “cuộc đời là một hình sin, sau khi lên đỉnh cao thì rơi xuống dưới đáy”. Đội tuyển Tây Ban Nha với chiến thuật Tiki Taka huyền ảo liên tiếp chiếm ngôi vương bóng đá châu Âu (2008) và bóng đá thế giới (2010) nay đành chấp nhận thành cựu vương khi Tiki Taka không còn là chiến thuật lạ với làng bóng đá thế giới. 

Lướt lại những nét chính của World Cup 20 khi tiếng còi của World Cup 21 đã vang lên trên nước Nga. Nhưng chúng ta cũng không thể giấu sự âu lo khi đội tuyển Nga một thời yêu dấu đang chưa thực sự trở lại hoàng kim khi chỉ được FIFA xếp thứ 70, trong đội hình có quá nhiều cầu thủ kinh nghiệm nhưng  cao tuổi  trong khi các cầu thủ trẻ  chưa đủ trải nghiệm trước những giải đấu lớn…

Tuy vậy, chúng ta lại tin, bóng đá là một thể thao chứa đầy bất ngờ. Được đá trên sân nhà dưới sự cổ vũ của hàng trăm triệu cổ động viên thân yêu và cả những người đã từng hâm mộ cầu thủ Nga nơi nước Việt xa xôi này…Và nhất là với tinh thần Nga, cũng như tố chất gấu Nga thức dậy sau kỳ ngủ đông biết đâu không tạo ra những kì tích trên sân chơi kỳ diệu.  

Tản mạn như vậy càng thấy bóng đá hấp dẫn nhân loại chính bởi loài người có thể nhìn thấy cái bóng thu nhỏ nhưng rất tập trung, đậm đặc, gay cấn của cuộc đời, xã hội và số phận mỗi con người ở môn thể thao vĩ đại này là vậy.