Bốn mươi năm ấy...

ANTĐ - Hà Nội ngày 10-6 - một ngày mưa tầm tã. Tôi gọi điện cho Bùi Văn Hưng lớp trưởng lớp phổ thông cấp III Tiên Lữ thân thương của tôi. Hưng bây giờ là Tổng giám đốc Công ty Tân Cảng tại TP.HCM, ai ngờ Hưng lại đang ở quê Tiên Lữ - Hưng Yên. Vẫn cái giọng rền vang, vui vẻ, Hưng bảo: “Chủ nhật này, cậu nhớ nhắn các bạn trên Hà Nội về quê đông đủ nhé - Hội khóa 40 năm mà. Tớ đang bàn với Đoàn Xuân Việt (Bí thư huyện ủy), Đỗ Hưng (Chủ tịch Hội CCB), Trần Văn Tới (Chủ tịch huyện)… đón tiếp anh em và tổ chức Hội khóa. Nhớ về sớm đấy!”. Bạn tôi là thế, 40 năm trước đây là lớp trưởng, giờ được anh em bầu làm Trưởng khóa. Lúc nào cũng sôi nổi, nhiệt tình, vô tư như hồi còn đi học.
Bốn mươi năm ấy... ảnh 1
Các thầy, cô giáo và cựu học sinh dự Hội lớp 10A về thăm trường cũ
(tháng 11-2001)


Ngày ấy cả huyện Tiên Lữ có 1 trường phổ thông cấp III. Trường cấp III Tiên Lữ được đặt tại xã Thụy Lôi gắn liền với tên chợ Suôi, phố Suôi. Trường nằm gần sông Luộc là con sông nối sông Hồng với sông Thái Bình có điểm đầu tại xã Tân Hưng rồi chảy xuôi qua các vùng đất của tỉnh Hưng Yên, Thái Bình… Con đê sông Luộc uốn lượn cùng dòng sông đi qua các vùng đất Hồng Nam, Tân Hưng, Thiện Phiến, Triều Dương, Bến Hới, Bến Suôi… cũng là con đường mà hồi đó chúng tôi đều đi bộ để đến trường. Một bên là con sông thơ mộng, một bên là những cánh đồng xen với những đầm sen rộng mênh mông mà mỗi buổi bình minh tới trường trong hương sen thơm ngát, mỗi buổi hoàng hôn đều rợp trắng những cánh cò. Bây giờ mỗi lần về quê đi qua con đường ấy, mỗi đứa chúng tôi gợn lên cảm xúc của một thời đi học, lại thấy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và nhớ đến những người bạn đã không còn nữa, trong đó có nhiều bạn nằm lại ở chiến trường…

Tháng 9-1970 khóa học của chúng tôi khai giảng với 6 lớp 8 (tương đương như lớp 10 hiện nay). Đến năm 

1971-1972, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vào giai đoạn ác liệt nhất, nhiều học sinh của khóa học lên đường nhập ngũ vào chiến đấu ở các chiến trường phía Nam. Đã có nhiều người bạn của tôi mãi mãi không trở về. Tôi còn nhớ bạn Lê Ngọc Tân ở Hải Triều, người to, cao, vạm vỡ như một đô vật, nhập ngũ năm 1971. Vào chiến trường khi mới đang học lớp 9, bạn tôi đã để bút nghiên ở lại, để cả tuổi học trò ở lại, bạn hy sinh oanh liệt, mãi mãi lìa xa chúng tôi. Bạn Vũ Văn Chanh quê xã Dị Chế vào bộ đội chiến đấu và chiến thắng ở chiến trường B, nhưng khi vào đến chiến trường K trong một trận chiến đấu đã bị đạn của bọn Pon Pot bắn trúng khuôn mặt đẹp trai nhất trường cấp III lúc bấy giờ. May mắn còn sống trở về quê hương, Vũ Văn Chanh đã vượt qua tất cả, kết hôn với một cô giáo và giờ đây đang xây dựng kinh tế gia đình vững mạnh, hạnh phúc bên con, cháu. Nhiều bạn sau khi chiến đấu và chiến thắng trở về đã tiếp tục đèn sách, vào đại học, ra trường, trở thành người thành đạt như bạn Đoàn Xuân Việt, Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lữ đang ngày đêm tận tụy với công việc, trăn trở nghĩ cách để làm giàu cho quê hương… 

Ngôi trường cấp III Tiên Lữ nơi đã giáo dục đào tạo gần 500 học sinh khóa chúng tôi trở thành những công dân có ích cho xã hội. Từ ngôi trường này nhiều người đã trở thành Tiến sĩ như Vũ Công Thắng, Chu Thị Bình, Lương Đình Khánh… nhiều kỹ sư, nhà báo, nhà giáo, những sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, những nhà kinh doanh… Và cũng có nhiều người đã lần lượt lên đường bảo vệ Tổ quốc góp phần vào cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc. Chiến tranh ác liệt đã làm mỗi học kỳ, mỗi lớp lại vơi đi những mái đầu xanh. Cuối năm 1971, thầy Hiệu trưởng Đỗ Hữu Thanh đã  ra quyết định giải tán 2 phiên hiệu 9E và 9H để dồn học sinh lại còn 4 lớp 9A, 9B, 9C, 9D.

Mùa hè năm 1972 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, cả khóa học của chúng tôi phải sơ tán về xã Dị Chế học nhờ tại các nhà kho của Hợp tác xã nông nghiệp. Đào hầm chữ A, đội mũ rơm đi học, ở nhờ nhà dân, được sự đùm bọc của bà con các thôn Ché, Chìa, Cuông… thuộc xã Dị Chế. Ngày 18-12-1972 bọn xâm lược điên cuồng đánh phá Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bằng máy bay B52, cả khóa chúng tôi phải tạm nghỉ học thực hiện lệnh triệt để sơ tán. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết 

(27-1-1973), cả 4 lớp 10A, 10B, 10C, 10D chúng tôi mới được trở về trường cũ miệt mài học và ôn thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp năm ấy phải đến tháng 7 mới bắt đầu. Tháng 9-1973 cả khóa học lũ lượt kéo ra huyện Thanh Miện để thi tuyển vào đại học. Rồi từ đó, chúng tôi, mỗi người mỗi ngả tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc với con đường phấn đấu riêng của mình.

Nhớ năm học đầu tiên, ngày 28-4-1971, Đội tuyển học sinh giỏi lớp 8 của trường đã đạt thành tích vang dội tỉnh Hải Hưng với giải Nhất đồng đội 2 môn Văn và Toán, giải Nhất cá nhân môn Văn của Vũ Kim Thành, giải Nhì môn Toán của Vũ Công Thắng. Thầy Trần Đình Lân giáo viên văn ngày ấy, bây giờ tuổi đã ngoài thất thập, vẫn tự hào đây là lứa học sinh tiên tiến xuất sắc nhất trong cuộc đời làm thầy của mình. Còn thầy Lương Nguyên Huân dạy toán và cũng là chủ nhiệm lớp tôi thì đã viết trong một lần hội khóa: “Các em thân mến! Trong quãng đời làm thầy, thầy đã chủ nhiệm rất nhiều lớp, dạy nhiều thế hệ học sinh của quê hương, nhưng có thể khẳng định những kỷ niệm đẹp về lớp các em là sâu sắc nhất. Không bao giờ quên được. Lớp của các em biết đoàn kết, thương yêu, giúp nhau phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn khi đất nước còn bom rơi đạn nổ, kinh tế nghèo khó để trở thành lớp tiên tiến xuất sắc của trường, đạt thành tích cao trong học tập. Về hội lớp, một lần nữa thầy như khỏe thêm ra, được sống trong không khí của lớp 10A xưa.

Cuộc sống con người là có giới hạn. Tình thầy trò ta, kỷ niệm về lớp học chúng ta là vô hạn...”.

*     *
*

Xin được cảm ơn mái trường cấp III Tiên Lữ, và xin được tri ân tới các thầy, các cô từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về vùng đất nghèo khó này để truyền đạt những kiến thức và dạy cho chúng tôi trở thành những người tử tế, những công dân có ích cho xã hội. Nhiều thầy cô ở Hà Nội đã tình nguyện về nơi đây dạy dỗ chúng tôi như thầy Quế (môn Vật lý), cô Nhung (môn Địa lý), thầy Nhiên, cô Thanh (môn Lịch sử), thầy Luân (môn Ngoại ngữ), cô Hà (môn Hóa)… Hội khóa năm nay, nhiều thầy, cô đã không còn nữa. Nhớ thương các thầy cô đã đi về cõi vĩnh hằng: thầy Lê Như Phách - Hiệu trưởng đầu tiên; thầy Đỗ Hữu Thanh, Hiệu trưởng tiếp theo; thầy Đỗ Tấn (giáo viên giỏi môn Văn), Hiệu trưởng tiếp theo; Thầy Đỗ Thỉnh, thầy Nhiên, thầy Liểu… 40 năm đã qua đi, một lần nữa, khóa học sinh (1970-1973 - trường cấp III Tiên Lữ) chúng em  xin được tri ân và tưởng nhớ các thầy.