Bốn chính sách người lao động được hưởng khi tinh giản biên chế dẫn đến mất việc làm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi làm việc tại một cơ quan Nhà nước được hơn 10 năm. Tới đây, cơ quan tôi phải sáp nhập vào đơn vị khác, dẫn đến tôi và nhiều đồng nghiệp sẽ mất việc làm, do dôi dư lao động. Xin hỏi luật sư, chúng tôi được hưởng quyền lợi gì không? Đào Đức Tuấn (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, số 197, phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội )

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, số 197, phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội )

Khoản 1, Điều 45, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “1. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này”.

Theo quy định trên nếu cơ quan của bạn phải sáp nhập với đơn vị khác, thì đơn vị mới có nghĩa vụ tiếp tục để bạn làm việc. Tuy nhiên, một vấn đề cũng được pháp luật tính đến là có thể sẽ có trường hợp đơn vị mới không thể tiếp nhận hết lao động từ đơn vị cũ. Khi đó, đơn vị mới phải có phương án sử dụng lao động để xác định người nào được tiếp tục làm việc, người nào chuyển sang làm việc không trọn thời gian, người nào phải chấm dứt hợp đồng… Theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 về chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sáp nhập, có 4 chính sách đối tượng này được hưởng khi bị tinh giản biên chế dẫn đến mất việc làm.

- Một là, chính sách về hưu trước tuổi (Điều 8, Nghị định 108/2014/NĐ-CP). Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ: Không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại điểm b khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014; Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương…

- Hai là, chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước (Điều 9, Nghị định 108/2014/NĐ-CP). Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng kinh phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước được hưởng các khoản trợ cấp: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng; Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

- Ba là, chính sách thôi việc ngay (Khoản 1, Điều 10, Nghị định 108/2014/NĐ-CP). Đối với chính sách này thì cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế, dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH.

- Bốn là, chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (Khoản 2, Điều 10, Nghị định 108/2014/NĐ-CP). Chính sách này quy định, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ: Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng; Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề. Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm; Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội; Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.

Mất việc làm do sáp nhập sẽ được hưởng chính sách tùy từng đối tượng (Ảnh minh họa)

Mất việc làm do sáp nhập sẽ được hưởng chính sách tùy từng đối tượng (Ảnh minh họa)

Như vậy bạn căn cứ vào quy định trên và thực tế bạn nghỉ theo trường hợp nào để xác định đúng chính sách bạn được hưởng khi rơi vào trường hợp dôi dư do tinh giản biên chế. Ngoài ra, bạn được hưởng chế độ khi nghỉ việc theo quy định pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội. Lưu ý là kể từ ngày 1-1-2021 khi Bộ luật Lao động mới có hiệu lực thì một số quy định sẽ có sự thay đổi.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.