"Bom" nổ trong giới tài phiệt trốn thuế

ANTĐ - Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) vừa công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính toàn cầu được coi là lớn nhất từ trước đến nay. ICIJ vốn là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1997 nhằm tổ chức cho các phóng viên cùng hợp tác điều tra, phanh phui các vụ tham nhũng.

ICIJ đã phanh phui “các thiên đường trốn thuế” trên toàn thế giới, phơi bày bí mật của hơn 120.000 chi nhánh nước ngoài của nhiều công ty và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân, tại hơn 170 quốc gia. 

Cuộc điều tra dựa vào 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin mật nằm trong một ổ cứng mà tổ chức này bí mật nhận được. ICIJ cho biết vụ việc “có thể trở thành sự hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí thế giới”. Để có được kho dữ liệu, ICIJ đã hợp tác với 86 nhà báo và nhiều tòa soạn tại 46 quốc gia (BBC ở Anh, Le Monde ở Pháp, Süddeutsche Zeitung và Norddeutscher Rundfunk ở Đức, Washington Post ở Mỹ…); cùng nhiều chuyên viên lập trình tại Đức, Anh, Costa Rica có nhiệm vụ xử lý tinh lọc dữ liệu.

Theo báo cáo của ICIJ, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Clariden (Thụy Sĩ), UBS (Thụy Sĩ) và Deutsche Bank (Đức) đã cho phép khách hàng thành lập các công ty bí mật tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, các cá nhân bị ICIJ phanh phui "có liên quan đến các hoạt động kinh doanh không khai báo thuế" được phát giác đặt trụ sở kinh doanh ở khắp mọi nơi: quần đảo Cook (New Zealand), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Azerbaijan, Nga, Canada, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ và nhiều nước khác.

Có khoảng 4.000 người Mỹ bị nêu tên trong báo cáo của ICIJ. Trong số đó có Denise Rich, một nhà soạn nhạc nổi tiếng từng đoạt giải Grammy. Nữ nhạc sĩ này sở hữu 144 triệu USD trong một quỹ đầu tư ở quần đảo Cook, theo điều tra của ICIJ. 

Hồ sơ ICIJ còn phanh phui một con số cực kỳ lớn là các quan chức chính phủ và các gia đình giàu có từ khắp nơi trên thế giới, như Canada, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Thái Lan… Trong đó có những gương mặt nổi tiếng như: Bayartsogt Sangajav, một trong những chính trị gia tên tuổi của Mông Cổ đang bị dính vào quy kết mở tài khoản mật tại Thụy Sĩ (hơn 1 triệu USD).

Tại Đông Nam Á, ICIJ phát hiện Nalineed “Joy” Taveesin, một nhà đầu tư thường dùng quỹ đầu tư TrustNet tại Singapore để thiết lập một công ty ngầm tại quần đảo Virgin. ICIJ đã phanh phui việc bà Maria Imedla Marcos Manotoc, con gái cả của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, là người thừa hưởng một quỹ đầu tư ở quần đảo Virgin.

Kho dữ liệu thu thập được cho thấy nhiều chi tiết liên quan hơn 122.000 công ty quỹ với gần 12.000 trung gian khắp thế giới. Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Nga và một số nước thuộc Liên Xô (cũ) là nơi “khởi hành” những nguồn tài chính mờ ám này; và “điểm đế là những nơi quen thuộc như quần đảo British Virgin hay Cyprus. Trong đó, quần đảo British Virgin được đánh giá là thành công nhất trong số những thiên đường miễn thuế. Lãnh thổ nhỏ xíu này của Anh trong vịnh Caribbean đã thu nhận trên 1 triệu công ty nước ngoài kể từ khi bắt đầu tiếp thị toàn cầu vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Lai lịch thực sự của chủ sở hữu không bao giờ được tiết lộ. Ngay cả những viên chức điều hành tài chính trên đảo thường không có ý kiến về ai đứng đằng sau số tài sản kếch sù này.

Một nghiên cứu của James S. Henry, nguyên chánh kinh tế gia McKinsey & Company, cho biết, giới giàu sụ thế giới hiện có tổng cộng từ 21-32 nghìn tỉ USD cất trong những tài khoản đâu đó ở nước ngoài - tương đương kích cỡ nền kinh tế Mỹ và Nhật gộp lại…

Tại Pháp, sau khi nhận được bản danh sách trốn thuế, tờ báo Le Monde đã tiến hành giải mã và phát hiện được tên của 130 người Pháp trong dữ liệu của OffshoreLeaks. Trong đó có người từng là nhân vật chủ chốt trong nội các của Chính phủ Pháp và được giao trọng trách đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống gian lận thuế. Sau khi “Chiến dịch OffshoreLeaks” phanh phui những thiên đường trốn thuế trên thế giới kèm theo vô vàn cái tên của những người trốn thuế. Ngày 10/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thông báo một loạt các biện pháp nhằm “chuẩn hóa đạo đức” của các quan chức chính trị, thành lập một bộ phận chuyên trách về tài chính có thẩm quyền quốc gia để đấu tranh chống phạm pháp trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng tỏ rõ quyết tâm loại trừ các thiên đường trốn thuế ở châu Âu.

Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault thông báo đã quyết định tất cả các bộ trưởng trước ngày 15-4 phải kê khai tài sản và chính phủ cũng ban hành một đạo luật có hiệu lực từ ngày 24-4 về tính minh bạch tài chính của các thành viên chính phủ và các quan chức cấp cao. Thủ tướng Ayrault tuyên bố: “Chính phủ sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo đảm tính minh bạch tài sản của tất cả chính trị gia và cố vấn của các bộ trưởng, Thủ tướng và Tổng thống. Các biện pháp này nhằm trừng phạt nghiêm khắc những quan chức vi phạm luật minh bạch tài chính và trốn thuế".