‘‘Bội thực” xét nghiệm ‘‘loạn” kê đơn

ANTĐ - Vào phòng khám, đến bệnh viện là y rằng bác sĩ sẽ yêu cầu hàng loạt xét nghiệm, chạy mỏi chân, chờ đợi dài cổ, tốn không ít tiền. Chưa hết, đến khi cầm đơn thuốc thì người bệnh lại méo mặt vì toàn thuốc đắt tiền lại còn thêm cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng… Tình trạng “loạn” xét nghiệm, kê đơn thuốc quá đắt tiền không cần thiết  khiến nhiều người bệnh điêu đứng. Không đi khám thì lo, đi khám rồi chẳng nhẽ không tin bác sĩ, mà nghe lời bác sĩ thì…

Viêm họng cũng phải xét nghiệm

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc ở Hoàng Mai, Hà Nội bị đau họng khi thời tiết giao mùa. Chị đến khám tại một phòng khám tư trên đường Giải Phóng với giá tiền khám được niêm yết là 80.000 đồng. Bác sĩ sau một vài câu hỏi han qua loa tình trạng bệnh liền viết một tờ phiếu chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu để chẩn đoán, bao gồm nội soi tai mũi họng, xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, Aslo, RF, chụp X-quang tim phổi. Cầm tờ phiếu, chị xuống thanh toán với nhân viên ở tầng 1 thì tổng số tiền làm các xét nghiệm trên mất gần 500.000 đồng. Kết quả sau hàng loạt xét nghiệm, chị được chẩn đoán là bị viêm họng cấp, ngoài ra không có vấn đề gì khác. Bác sĩ lại kê đơn thuốc và số tiền mua thuốc của chị lên tới gần 300.000 đồng. “Trước đó tôi cũng bị viêm họng vài lần và khám ở phòng y tế cơ quan, cũng được chẩn đoán là viêm họng cấp mà chẳng cần xét nghiệm gì, uống thuốc vài hôm là khỏi. Lần này để yên tâm, tôi đi vào viện nhưng đông quá, đành ra phòng khám tư. Thế này thì lần sau chắc không dám bước chân lại đây nữa” - chị Ngọc nói.

Tương tự, ở nhiều bệnh viện công, tình trạng “bội thực” các xét nghiệm cũng diễn ra. Chị Trần Ngọc Hà (Long Biên) có con gái 10 tháng tuổi bị ho sốt nên chị đưa vào một bệnh viện khám, bác sĩ khám rồi viết phiếu xét nghiệm máu và chụp tim phổi, kết luận con chị bị viêm phế quản. Gần 1 tháng sau cháu lại bị sốt nhẹ và nôn trớ, chị lại đưa bé đến bệnh viện này và lại được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu, chụp tim phổi và siêu âm bụng, kết luận là cháu viêm họng cấp. Các lần khám sau, bác sĩ đều yêu cầu xét nghiệm máu khiến chị không khỏi bức xúc, nhưng không nghe bác sĩ thì biết nghe ai. Một bệnh nhân khác đang điều trị tại Hà Nội cũng than thở: “Tôi đã điều trị ở bệnh viện tỉnh một thời gian, ở đây đã làm đủ xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-Quang phổi mấy lần, siêu âm thận… Thế mà khi chuyển lên đây, bác sĩ lại bắt đi làm lại chừng ấy thứ”.

Tình trạng “loạn” xét nghiệm tại các phòng khám tư và cả bệnh viện công đã khiến không ít bệnh nhân bức xúc. Sở dĩ vậy, theo lý giải của một vị bác sĩ thì các phòng khám, bệnh viện rất khó thu được tiền của bệnh nhân từ dịch vụ khám chữa thông thường, vì mức phí này đã được Bộ Y tế quy định. Trong khi các dịch vụ xét nghiệm, chụp chiếu thì có thể thoải mái chỉ định và đây cũng là cách mà các bệnh viện, phòng khám làm để thu lại nguồn vốn bỏ ra mua máy móc thiết bị. Thông thường các loại xét nghiệm, chụp chiếu lợi nhuận lên tới 20-40% giá thành.

Một lý do khác khiến tình trạng xét nghiệm trở nên vô tội vạ tại các bệnh viện công là do các chi phí này đã có “quỹ bảo hiểm y tế” chi nên cả người bệnh và bệnh viện chẳng mất gì. Bên cạnh đó, các bác sĩ khi chẩn đoán bệnh, thì chả tội gì không yêu cầu bệnh nhân phải đi xét nghiệm vì khi có kết quả xét nghiệm thì bác sĩ “bắt” bệnh cũng chính xác hơn, an toàn hơn cho bác sĩ. Một kết quả thanh tra về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế ở các địa phương có bội chi quỹ BHYT cho thấy có tới 15-20% chỉ định xét nghiệm là lãng phí. 

Vẫn biết xét nghiệm, chiếu chụp là khâu quan trọng trong quy trình khám chữa bệnh nhưng tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp trong nhiều cơ sở khám chữa bệnh là phổ biến do Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp. Các trang thiết bị dùng để xét nghiệm, chiếu chụp ở nhiều bệnh viện còn không đảm bảo độ chính xác, thiếu đồng bộ, trình độ nhân viên sinh hóa, xét nghiệm còn hạn chế, khiến bệnh viện nọ nghi ngờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện kia và chỉ định xét nghiệm đi xét nghiệm lại nhiều lần gây tốn kém cho người bệnh và làm ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Trong một cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến đã thừa nhận tình trạng lạm dụng xét nghiệm. Bộ trưởng cho rằng để khắc phục lạm dụng xét nghiệm cần có quy trình giám sát chặt chẽ, các bệnh viện phải có bộ phận giám sát. Lâu nay, Bộ Y tế triển khai một số biện pháp như xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn. Trong mỗi bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng về thuốc và điều trị bệnh viện, đơn vị giám sát (giám sát viên của bảo hiểm y tế) để hạn chế lạm dụng xét nghiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lạm dụng xét nghiệm vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều bệnh viện.

Nhằm tránh lạm dụng kỹ thuật nói chung và xét nghiệm nói riêng, Bộ Y tế còn thực hiện một giải pháp nữa là xây dựng hình thức chi trả trọn gói theo ca bệnh cho một số nhóm bệnh - hình thức được cho là tiên tiến nhất hiện nay. Hiện nay nước ta đã làm thí điểm và lộ trình đó phải làm dần dần, ở các nước, nhanh nhất cũng phải mất 10 năm, Bộ trưởng nêu rõ.

Bác sĩ “phóng bút” kê đơn

Không chỉ mệt mỏi với việc chờ đợi, chen lấn để làm đủ các xét nghiệm với số tiền không ít, nhiều bệnh nhân còn bức xúc khi bước ra khỏi phòng khám với các toa thuốc lên đến mấy trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng ngay cả với những bệnh thông thường, đơn giản nhất. Họ không biết bác sĩ kê những thuốc gì, không mua thì lo, mà mua thì tự hỏi tại sao cũng những bệnh ấy xưa chỉ cần vài chục nghìn tiền thuốc cũng khỏi. Những người có chút hiểu biết về chuyên môn thì thừa biết đó là những toa thuốc ngoại có giá đắt gấp nhiều, thậm chí nhiều chục lần so với thuốc nội có cùng hoạt chất; cùng với đó là thuốc bổ, thậm chí là thực phẩm chức năng, hay sữa tắm, nước rửa tay của một hãng nhất định nào đó. Có những loại thuốc bác sĩ kê, bệnh nhân chỉ có thể mua ở nhà thuốc của bệnh viện, đúng nhà thuốc do bác sĩ giới thiệu, hoặc mua thuốc do chính bác sĩ bán (tất nhiên với giá cắt cổ) chứ không thể mua được ở ngoài.

Đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ lâu năm, có kinh nghiệm liên tục được các hãng dược phẩm săn đón, chăm sóc từng li từng tí để được bác sĩ ấy kê đơn thuốc của hãng mình. Và tất nhiên, phần hoa hồng dành cho bác sĩ là không nhỏ, lên tới mấy chục phần trăm giá thành thuốc. Thế mới có chuyện mỗi bác sĩ chỉ kê một loại thuốc cho tất cả các bệnh nhân có bệnh đó, trong khi bệnh nhân hoàn toàn có thể dùng thuốc khác, thậm chí là thuốc nội, rẻ tiền hơn nhiều cũng khỏi.

Không chỉ ưu tiên kê toa những loại thuốc mình được nhận hoa hồng, nhiều bác sĩ còn có những chiêu “bắt” bệnh nhân mua thuốc tại các nhà thuốc “thân quen” của mình bằng cách kê toa, yêu cầu ra nhà thuốc nào đó mua rồi mới quay lại hướng dẫn sử dụng. Thực ra, vị bác sĩ này đã được nhà thuốc chăm sóc bằng cách mỗi tháng tổng kết lại số thuốc bán được do bác sĩ này kê để trích hoa hồng lại. Thế mới biết, việc kê đơn của bác sĩ không chỉ tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà phụ thuộc rất lớn vào… các hãng dược. 

Từ năm 2003, để hạn chế tiêu cực bác sĩ nhận hoa hồng từ các hãng dược, Bộ Y tế đã quy định rõ: Khi kê toa, phải viết tên thuốc theo tên quốc tế (tên chất trị liệu chứa trong thuốc) với thuốc có một thành phần. Tuy nhiên, thực tế đến nay ngay cả các các bác sĩ ở các bệnh viện, chứ chưa nói đến các cơ sở tư nhân, đều ít thực hiện quy định này, hầu hết đều kê thẳng tên thương mại của thuốc. Và các trình dược viên của các hãng thuốc vẫn ra vào thường xuyên các bệnh viện, phòng khám. Một số bệnh viện đã cấm các bác sĩ tiếp trình dược viên trong phòng, tuy nhiên, cấm nhưng cũng không ai quản lý được, vì người ta đã muốn bắt tay thì bắt tay ở đâu mà chẳng được. 

Một vị bác sĩ lâu năm ở một bệnh viện lớn cho biết, hiện nay rất nhức nhối tình trạng bệnh nhân tự ý mua thuốc hoặc nhờ luôn người bán thuốc kê đơn mà không đi khám. Lý do một phần vì người dân ngại chen lấn, làm hết xét nghiệm này, chiếu chụp khác ở bệnh viện, chủ quan, thiếu kiến thức sử dụng thuốc thì một nguyên nhân quan trọng là niềm tin vào bác sĩ bị suy giảm sau những lần nhận được những đơn thuốc “khủng”. 

Trong khi vấn đề lương tâm, y đức của thầy thuốc còn là dấu hỏi thì  rất cần thiết những biện pháp mạnh tay hơn của cơ quan quản lý cũng như các bệnh viện. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã có một sáng kiến khá hay, đó là “bình toa thuốc”. Các toa thuốc do bác sĩ kê sẽ được lưu trên mạng nội bộ của bệnh viện, sau đó sẽ được một tổ chuyên môn kiểm tra, đánh giá. Khi thấy toa thuốc có vấn đề, ban giám đốc sẽ xem xét, thậm chí gửi đi thẩm định và lấy ý kiến từ các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ đầu ngành. Các bác sĩ kê toa “có vấn đề” sẽ được nhắc nhở, vì vậy tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê toa bừa bãi ngày càng giảm. Đây cũng là một cách làm hay, có lợi cho bệnh nhân, và đặc biệt góp phần nâng cao lòng tin của người dân vào đội ngũ bác sĩ.