“Bội thực” truyền hình thực tế

ANTĐ - Câu chuyện thường ngày rôm rả hàng đầu trên các trang báo hiện nay chính là diễn biến xung quanh các chương trình truyền hình thực tế. “Đất” của kênh VTV3 – kênh  có lượng khán giả xem nhiều nhất Việt Nam trở nên chật chội chưa từng có với sự chen lấn đến nghẹt thở của hàng loạt chương trình cùng được gắn mác truyền hình thực tế, còn khán giả thì đang “bội thực” với đủ các loại chương trình thực tế.

Lại có thêm những chương trình mới

“Bội thực” truyền hình thực tế ảnh 1

Đứng về phía khán giả xem truyền hình, thật khó có thể rời khỏi màn ảnh nhỏ vào buổi tối khi mà các chương trình hấp dẫn cứ nối tiếp nhau. Sức hút ấy, mức độ thâm nhập đến từng gia đình, từng ngõ ngách ở mọi nơi của truyền hình thực tế đã mang lại nụ cười ngọt ngào cho nhà Đài, nhà sản xuất bằng khối lượng khổng lồ các hợp đồng quảng cáo, mặt khác, nối dài hơn dòng thí sinh đổ vào các cuộc thi để thực hiện ước mơ. Dường như mọi người đều phấn khởi, háo hức, chờ đón sự xuất hiện của những chương trình truyền hình thực tế. Như dạo nào gameshow ầm ầm đổ bộ vào truyền hình.

Từ giờ đến cuối năm, có hai chương trình thuộc hàng ăn khách nhất của làng truyền hình thế giới hiện nay sẽ nối tiếp chiếm sóng VTV3 đó là The Voice – Giọng hát Việt và The Amazing Race – Cuộc đua kỳ thú. Nguy cơ thất bại của hai show này là rất ít vì với The Voice – Giọng hát Việt việc có thành phần Ban Giám khảo là hai ngôi sao hàng đầu của làng ca nhạc và cũng là hai tâm điểm scandal Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, không có lý do gì để chương trình không nóng. Còn Cuộc đua kỳ thú – đó sẽ là truyền hình thực tế đúng chất nhất, một không khí hoàn toàn khác trong bối cảnh toàn những cuộc thi thiên về ca hát. Ẩn số thuộc về một chương trình thi nấu ăn mang tên Siêu đầu bếp Việt Nam - Iron Chef. 

Nhà sản xuất ăn trái đắng

Đại gia của làng truyền thông hãng BHD năm nay đầu tư lớn cho việc mua bản quyền và sản xuất truyền hình thực tế. Trong đó Vietnam’s Got Talent (VGT) được xem là con át chủ bài. Nhưng đáng tiếc, dù có vài phát hiện, điểm nhấn thì đây có thể xem là một thất bại lớn với BHD. Những vòng thi đầu của VGT rất tẻ nhạt và thẳng thắn mà nói chỉ thực sự sôi động sau scandal quá ầm ĩ về vụ Quỳnh Anh.

Hiệu quả không như ý của VGT hoàn toàn có thể khiến người ta cho rằng, phải chăng mô hình thi tài năng không thật phù hợp với người Việt và có lý do để nghi ngờ VGT sẽ không đi tiếp mùa thứ hai. BHD còn mang đến VTV3 một “bom xịt” chính hiệu mang tên Hợp ca tranh tài. Dù có những ngôi sao ca nhạc và mang ý nghĩa từ thiện tốt đẹp nhưng format nhạt nhẽo, thiếu kịch tính khiến chương trình trở nên dài lê thê hết tuần này sang tuần khác mà ngay cả việc loại dần từng đội cũng không thể hâm nóng sự quan tâm của khán giả. Bước nhảy hoàn vũ của Công ty Cát Tiên Sa mùa thứ ba lên sóng với scadal đầu tiên của Minh Hằng khi đạo nhạc Lan Anh cũng không khiến chương trình này nóng thêm được.

Dẫu sao khán giả cũng đã bắt đầu nhàm với những ngôi sao giống nhau bước ra từ những cuộc thi của công ty này. Nhà sản xuất khác cũng nếm vị đắng từ những chiêu bài do chính mình tung ra là Multimedia với chương trình Người mẫu Việt Nam – Vietnam’s Next Top Model. Với cú nổ quá đà về thành tích của các người mẫu mới bước ra từ cuộc thi, Multimedia đã ít nhiều làm mất niềm tin của khán giả, của báo giới dù chắc chắn mùa thi thứ ba đang khởi động vẫn sẽ thu hút đông đảo các thiếu nữ trẻ đẹp đăng ký dự thi.

Và những hệ lụy 

Các chương trình truyền hình thực tế đã và đang góp phần “ngốn” rất, rất nhiều thời gian dành cho công việc, thời gian chăm sóc gia đình… của đông đảo khán giả và cùng với thời gian là tiền bạc. Chưa có cuộc điều tra chính thức để thống kê số thời gian khán giả bỏ ra theo dõi những chương trình này. Nhưng chắc chắn, đó là con số không hề nhỏ. Tất nhiên nhu cầu thư giãn, giải trí là chính đáng. Đáng nói là chương trình không gói lại trong quãng thời gian cỡ 1 tiếng mà sau đó là nhắn tin, là bình luận, là lên các diễn đàn trao đổi, có khi là ca ngợi, là công kích thậm chí hạ nhục những nhân vật trong các chương trình. Tạm gác lại sự ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của áp lực dư luận đến với nhân vật. Bản thân những người tạo ra áp lực đó, họ cũng đã tiêu tốn nhiều thời gian lẽ ra dành cho việc khác để nói đi rồi nói lại về những gì xảy ra trên màn ảnh nhỏ. Nếu không tin, độc giả cứ dạo một vòng xung quanh các diễn đàn đông đảo thành viên của Việt Nam để thấy mức độ quan tâm và cả mức độ bám trụ các chủ đề thâu đêm suốt sáng. 

Đến lượt báo chí, đặc biệt là báo mạng, sự nở rộ của truyền hình thực tế như giải tỏa cơn đói tin bài khiến các phóng viên nháo nhào bám theo. Nhưng chất lượng thông tin mang đến cho độc giả lại không hề tương xứng với số lượng. Công tác PR ráo riết của nhà sản xuất các chương trình đã đem đến hệ quả là hàng loạt những bài báo, trang tin đưa tin giống hệt nhau, nhận định, đánh giá một cách hời hợt.

Tuy nhiên những hệ lụy trên có lẽ chưa nhỡn tiền bằng việc truyền hình thực tế đã đưa khán giả vào vòng xoáy của cuộc đua tin nhắn. Rất nhiều tiền đã được đổ vào để tôn vinh những danh hiệu đôi khi rất ảo, không được đồng thuận. Sự đảo lộn của nhiều giá trị do sự can thiệp của đồng tiền mà biểu hiện cụ thể là tin nhắn ở các chương trình đã dấy lên không biết bao nhiêu lời phàn nàn, phê phán, tẩy chay. Còn phía nhà đài thì sao? Vì mải chạy theo những chương trình “ăn khách” hút quảng cáo mà các nhà đài không cần biết khán giả cần gì, không cần biết khán giả bị đẩy đi đến đâu ?